Ngày 17/11, bác sĩ Trương Lệ Thi, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Sơ sinh, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, cho biết bé chào đời khỏe mạnh, nặng 2,7 kg. Ít ngày sau, bé có nhiều mẩn đỏ rải rác toàn thân, kết quả xét nghiệm Bilirubin - chỉ số trong chẩn đoán bệnh lý liên quan đến máu, cơ quan tạo máu, gan mật, bệnh nhiễm trùng, siêu vi... ở mức rất cao.
Các bác sĩ đánh giá bé bị vàng da nặng, "nếu không được thay máu, chiếu đèn kịp thời dễ dẫn đến biến chứng thần kinh nghiêm trọng, thậm chí tử vong". Sau hội chẩn, bác sĩ chỉ định thay máu toàn phần cấp cứu cho trẻ, kết hợp chiếu đèn điều trị vàng da tích cực để giảm thiểu những biến chứng.
Sau hai tiếng thay máu, chỉ số Bilirubin toàn phần giảm, bé tiếp tục được chiếu đèn điều trị vàng da theo phác đồ. Một tuần sau, trẻ được xuất viện.
Bé bị vàng da được chiếu đèn và thay máu toàn phần. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Theo bác sĩ Thi, kỹ thuật thay máu không mới, song đây là ca thay máu toàn phần tự động đầu tiên áp dụng hoàn toàn bằng máy móc và bơm tiêm điện tại bệnh viện. Nhờ vậy, quá trình máu được đảm bảo tốc độ, vô khuẩn và hỗ trợ nhân viên y tế thay vì phương pháp thay máu truyền thống, phải trực tiếp thực hiện như trước.
Vàng da là một hiện tượng sinh lý, xuất hiện ở trẻ 24 giờ sau sinh và thường tự hết sau một tuần (đối với trẻ đủ tháng) hoặc xấp xỉ hai tuần đối với trẻ sinh non (nhỏ hơn 36 tuần tuổi). Nguyên nhân có thể do nhiễm trùng huyết, bất đồng nhóm máu mẹ con, suy giáp bẩm sinh và một số bệnh lý di truyền, rối loạn chuyển hóa khác... Nếu trẻ vàng da quá mức, chất vàng da sẽ ngấm vào não gây biến chứng thần kinh, để lại những di chứng nặng nề.
Trong những ngày đầu sau sinh, gia đình cần theo dõi sát trẻ để phát hiện tình trạng vàng da. Trường hợp nặng, phơi nắng không giúp giảm vàng da, thậm chí làm chậm trễ việc đưa trẻ đến bệnh viện, để lại nhiều biến chứng.
Căn cứ vào tình trạng lâm sàng, tiền sử, bệnh sử của trẻ, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, tối ưu.
Minh An