Ngày 16/11, trong nghiên cứu công bố trên Tạp chí Lancet Oncology, các chuyên gia về bệnh ung thư trên khắp thế giới chỉ ra việc phong tỏa đã gây tổn hại đến những dịch vụ tầm soát, chăm sóc, điều trị, chương trình nghiên cứu ung thư và cả các bệnh nhân ra sao.
Cụ thể, qua phân tích dữ liệu, nghiên cứu tiết lộ các bác sĩ lâm sàng đã tiếp nhận ít hơn 1,5 triệu bệnh nhân ung thư trong năm đầu đại dịch. Một nửa trong đó không được phẫu thuật hoặc hóa trị kịp thời. Khoảng 100 triệu người đã bỏ lỡ sàng lọc.
"Để nhấn mạnh quy mô của vấn đề, chúng tôi ước tính có khoảng một triệu ca ung thư bị bỏ sót trên khắp châu Âu trong đại dịch Covid-19 mà không kịp chẩn đoán và điều trị", giáo sư Mark Lawler, Đại học Queen's Belfast (Bắc Ireland), chủ tịch hội đồng và là tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
Một nhà khoa học làm việc tại phòng thí nghiệm ở Bilbao, Tây Ban Nha. Ảnh: Europa Press News
Bên cạnh đó, Covid-19 cũng tác động "đáng sợ" đến công tác nghiên cứu ung thư. Các phòng thí nghiệm đóng cửa, thử nghiệm lâm sàng bị trì hoãn hoặc hủy bỏ trong những làn sóng dịch đầu tiên.
Các chuyên gia nhận định Covid-19 đã bộc lộ những điểm yếu trong hệ thống chăm sóc người bệnh ung thư và thực trạng nghiên cứu căn bệnh này trên khắp lục địa. Nếu không được giải quyết như một vấn đề cấp bách, đại dịch có thể đẩy lùi kết quả điều trị ung thư trong gần một thập kỷ.
"Những vấn đề này cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến sự sống còn, làm giảm chất lượng cuộc sống của nhiều bệnh nhân ung thư", ông Lawler nói.
Thục Linh (Theo Guardian)