Thông tin được ThS.BS Nguyễn Thị Việt Nga, Trưởng Khoa Quốc tế, Bệnh viện Tim Hà Nội, cho biết tại Hội nghị khoa học Tim mạch lần thứ 2 năm 2024, do Hội Tim mạch thành phố Hà Nội phối hợp với Bệnh viện Tim Hà Nội tổ chức, ngày 20/9. Đây là dịp cập nhật kiến thức, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về chẩn đoán, điều trị bệnh lý tim mạch cho các bác sĩ.

Tăng huyết áp là loại bệnh lý phổ biến trong cộng đồng với 25% dân số mắc bệnh. Đây là tình trạng tăng liên tục của huyết áp tâm thu lúc nghỉ (≥ 130 mmHg) hoặc huyết áp tâm trương lúc nghỉ (≥ 80 mm Hg), hoặc cả hai.

"Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ chính của bệnh tật và tử vong", bác sĩ Nga nói.

Đây là thủ phạm hàng đầu gây đột quỵ. Thời gian qua, các bệnh viện lớn tại TP HCM và Hà Nội tiếp nhận khá nhiều người 20-30 tuổi đột quỵ xuất huyết não, dẫn đến tử vong hoặc tàn phế, nguyên nhân là không biết bản thân bị tăng huyết áp hoặc chủ quan với bệnh này.

Tăng huyết áp lâu ngày không kiểm soát tốt có thể biến chứng ở tim, dẫn đến nhồi máu cơ tim, suy tim, rối loạn nhịp tim. Ở thận, tăng huyết áp làm tổn thương thận cấp, bệnh thận mạn và cuối cùng dẫn đến suy thận mạn giai đoạn cuối phải lọc máu định kỳ. Bệnh cũng có thể gây giảm thị lực, mù lòa, xơ vữa mạch máu dẫn đến đau chân khi đi lại, thậm chí loét, hoại tử phải đoạn chi gây tàn phế. Tăng huyết áp cũng có thể là nguyên nhân gây rối loạn cương dương, đặc biệt nếu kèm đái tháo đường, hút thuốc lá.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 46% người bệnh không biết bị tăng huyết áp, chỉ 1/5 bệnh nhân kiểm soát được. Trong khi đó, huyết áp càng cao thì nguy cơ tử vong càng cao. Vì vậy, người bệnh cần phải điều trị sớm, đều đặn. Mục tiêu là giảm nguy cơ biến cố tim mạch.

Hiện, biện pháp chính điều trị tăng huyết áp là dùng thuốc kết hợp thay đổi lối sống.

1-1726899500-9732-1726899514.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=t9aIqZ-hxHAlMQeVXnDQTA

PGS.TS. Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, Chủ tịch Hội Tim mạch TP Hà Nội, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Hùng

Tại hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Sinh Hiền, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, Chủ tịch Hội Tim mạch TP Hà Nội, cũng nhìn nhận bệnh tim mạch và chuyển hóa là một trong những nhóm bệnh lý phức tạp có tỷ lệ mắc cao trong cộng đồng. Bệnh thường để lại di chứng nặng nề, làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh, gây gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Trước bối cảnh người mắc tăng huyết áp và chuyển hóa ở Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, nhân viên y tế tuyến cơ sở phải được nâng cao năng lực nhận thức, hiểu biết nhằm chẩn đoán điều trị sớm cũng như dự phòng giúp giảm tỷ lệ người mắc, biến chứng. Ngoài ra, cần tăng cường các biện pháp điều trị, thúc đẩy các dịch vụ y tế sớm cho người dân qua hệ thống trực tuyến, giảm tải các bệnh viện tuyến trên.

Để phòng bệnh tăng huyết áp cũng như tim mạch nói chung, người bệnh cần thực hiện chế độ ăn giảm muối, không uống rượu bia, không hút thuốc lá. Tập luyện thể dục thể thao, hoạt động tích cực ít nhất 30 phút mỗi ngày và ít nhất 5 ngày trong tuần. Người bệnh cần tự theo dõi huyết áp tại nhà, uống thuốc đúng theo đơn bác sĩ, ngủ đủ giấc. Không tự ý sử dụng thuốc tùy tiện, tránh căng thẳng. Kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần để phát hiện sớm những bất thường cơ thể và kịp thời điều trị.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022