"Suy tim là giai đoạn sau cùng, ngõ cuối của nhiều bệnh như đái tháo đường và các bệnh tim mạch, huyết áp cao, song vẫn chưa có những giải pháp quan trọng để cải thiện tiên lượng của bệnh", GS. TS. BS Đặng Vạn Phước, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, nói tại Hội nghị tim mạch Bệnh viện FV, ngày 26/11.

Suy tim là tình trạng cơ tim suy giảm khả năng bơm máu dẫn đến cung cấp không đủ máu và oxy cho nhu cầu cơ thể. Nó gây ra những triệu chứng khó chịu khiến bệnh nhân phải nhập viện, không những làm giảm chất lượng cuộc sống mà nguy cơ tử vong khá cao.

Việt Nam chưa có thống kê về suy tim, song với mức độ già hóa dân số ngày càng tăng và số lượng người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính tăng dần thì dự báo tỷ lệ mắc suy tim có thể càng tăng trong thời gian tới. Tỷ lệ tử vong do suy tim trong năm đầu tiên là 15-20%; sau 4-5 năm, tỷ lệ này có thể lên đến 50%.

Theo giáo sư Phước, số ca tử vong do tim mạch hiện vẫn ở hàng đầu, vượt trên các nguyên nhân khác, kể cả ung thư. Với một số bệnh lý tim mạch, y khoa đã có những tiến bộ rất lớn trong điều trị như can thiệp với bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, giúp giảm rõ rệt tử vong. Lĩnh vực điều trị đột quỵ cũng rất nhiều tiến bộ.

Riêng hai vấn đề đến nay vẫn còn rất hạn chế trong giảm tử vong là suy tim và suy thận tiến triển. Gần 10 năm nay, một số thuốc ra đời nhưng vẫn chưa thay đổi được kết cục của bệnh, trong khi số lượng người mắc suy tim đang ngày càng tăng.

gs-ts-bs-da-ng-va-n-phu-o-c-ch-2630-5002-1669463723.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Jii9Q47HRIJm94v-oODQfQ

GS. TS. BS Đặng Vạn Phước cập nhật các tiến bộ trong điều trị suy tim, ngày 26/11. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Một khi đã xảy ra bệnh suy tim, việc ngăn chặn tiến triển, biến chứng của bệnh gặp nhiều khó khăn, nên vấn đề quan trọng là cần phòng ngừa sớm ngay từ khi chưa phát bệnh. Xu hướng của y học thế giới hiện nay là phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ và giải quyết, kiểm soát tốt các yếu tố đó, không để chuyển qua giai đoạn suy tim với các biến chứng nặng nề.

Cụ thể, một số yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được của bệnh suy tim là tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, ít vận động, lạm dụng rượu bia... Những yếu tố này có thể thay đổi được. Ngoài ra, một số yếu tố không thể thay đổi là nguy cơ di truyền ở gia đình có nhiều người mắc bệnh, tuổi tác (càng lớn tuổi càng nhiều nguy cơ), giới tính (nam có nguy cơ nhiều hơn nữ, nhưng nữ sau tuổi mãn kinh thì nguy cơ sẽ tương đương nam).

Theo bác sĩ Hồ Minh Tuấn, Trưởng Khoa Tim mạch, Bệnh viện FV, biểu hiện thường gặp của bệnh suy tim là cảm thấy khó thở khi vận động, ngồi nghỉ, thậm chí khi nằm; ho dai dẳng, khò khè có thể kèm theo khạc đàm trắng hoặc hồng; phù chân, mắt cá, cẳng chân và tăng cân đột ngột; cảm thấy mệt thường xuyên kể cả trong những công việc hàng ngày như đi siêu thị, leo cầu thang, đi bộ; cảm giác lúc nào cũng no bụng, chán ăn; giảm sút trí nhớ, giảm định hướng, lú lẫn, không tập trung; tim đập mạnh thường xuyên, cảm giác đánh trống ngực.

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022