Bà Hương phát hiện có khối u ở vú vào năm 2020, khi ấy 60 tuổi, không đau nhức. Như rất nhiều người khác, ban đầu bà sợ, lo lắng không biết bệnh gì và sợ nghe hai từ "ung thư"; rồi bà chần chừ không đi khám sợ bệnh nặng làm phiền con cái và tốn kém chi phí điều trị.

"Hồi đấy tôi nghĩ mình già rồi, con cái cũng lớn, có ra đi cũng không hối tiếc", bà Hương chia sẻ, cuối tháng 10. Dù vậy, lúc ấy sống trong bất an, chỉ vài tháng sau bà Hương tiều tụy thấy rõ, sụt hẳn 5 kg, cả về thể chất lẫn tinh thần đều suy sụp. Gia đình lo lắng, bắt bà phải đi khám cho ra bệnh, bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TP HCM chẩn đoán ung thư vú giai đoạn 2A, khối u kích thước 1,6 cm ở ngực phải.

Bà Hương nhớ lại cảm giác choáng váng khi cầm trên tay tờ kết quả chẩn đoán ung thư: "Tôi đứng không vững, không tin được lại là mình". Trước khi phát hiện bệnh, bà Hương sống lành mạnh, duy trì tập yoga mỗi ngày để rèn luyện sức khỏe. Với bà, ung thư là án tử, "già rồi mang căn bệnh này thì chỉ có chết" nên định buông xuôi. Sau đó, cũng người nhà động viên bà điều trị, kết hợp bác sĩ tham vấn và sát cánh cùng bà trong quá trình chữa bệnh.

Bác sĩ Mai Xuân Hòa, khoa Ung bướu - Y học Hạt nhân, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, trực tiếp điều trị cho bà Hương, cho biết giai đoạn 2A là giai đoạn sớm, ung thư chưa di căn hạch, chưa di căn xa. Nếu bà Hương chần chừ, không chữa trị kịp thời sẽ lỡ mất "thời điểm vàng", những tế bào ung thư sẽ đi theo đường máu và bạch huyết di căn đến các cơ quan khác như hạch nách, hạch thượng đòn, phổi, gan, xương, não... Những bệnh nhân phát hiện ung thư ở giai đoạn trễ hơn cần phải tầm soát tất cả cơ quan để đánh giá tình trạng di căn trước khi điều trị.

Bác sĩ Hòa thuyết phục bà Hương, hiện nay y học tiến bộ, bệnh nhân ung thư vú được bác sĩ tư vấn và đưa ra hướng điều trị tốt nhất dựa trên nhiều yếu tố như giai đoạn bệnh, vị trí khối u, đặc điểm mô bệnh học của khối u, các đột biến về mặt tế bào.

"Bệnh nhân không nên bi quan về bệnh tình của mình", bác sĩ Hòa khuyên. Nhiều nghiên cứu cho thấy tỷ lệ sống thêm sau 5 năm của bệnh nhân ung thư vú có thể đạt tới 100% nếu bệnh phát hiện ở giai đoạn tiền lâm sàng (giai đoạn 0). Tỷ lệ này giảm xuống còn 95% ở giai đoạn một, 80% ở giai đoạn hai, 72% ở giai đoạn ba và chỉ còn 25% ở giai đoạn bốn. Bệnh nhân nếu được tầm soát ung thư vú và kịp thời điều trị ở giai đoạn sớm khả năng khỏi bệnh và sống khỏe rất cao.

Cuối cùng bà Hương quyết tâm chữa trị bệnh, tuân thủ phác đồ điều trị do bác sĩ Hòa đưa ra và vượt qua "án tử" trong vòng 8 tháng. Bà chú trọng chế độ dinh dưỡng hằng ngày, cố gắng tập luyện yoga và thiền - những bài tập dành riêng cho bệnh nhân ung thư vú. Bà chọn các nguồn thông tin uy tín để học hỏi, tuân thủ lời dặn của bác sĩ "không phải ai nói gì cũng nghe, thấy thông tin gì cũng tin".

Sau phẫu thuật và các đợt hóa trị, cơ thể đuối sức và mệt mỏi, bà Hương chỉ nằm một chỗ nhưng vẫn ráng cử động tay chân và tập hít thở bằng bụng. Điều quan trọng nhất, theo bà Hương, là lắng nghe cơ thể, lựa chọn thực phẩm và các bài tập rèn luyện thể chất phù hợp với thể trạng của mình.

Theo bác sĩ Hòa, cũng như các bệnh ung thư khác, bệnh nhân ung thư vú cũng cần chế độ ăn lành mạnh, cân bằng, không quá kiêng khem loại thức ăn nào. Bệnh nhân nên duy trì cân nặng đạt chuẩn BMI, kiểm soát cân nặng tránh béo phì vì những chuyển hóa mỡ sẽ gây ra những yếu tố không có lợi trong quá trình điều trị.

Hiện tại, sức khỏe bà Hương đã ổn định trở lại, tiếp tục dùng thuốc nội tiết để ngăn ngừa tế bào ung thư tái phát.

-3244-1666602394.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=9wPmdInLYRlalLzGABvVsQ

Bà Lê Thị Thanh Hương trong buổi dạy yoga trị liệu ung thư. Ảnh: Ngọc Nhi

Khoảng vài tháng nay, bà Hương mở lớp yoga trị liệu dành riêng cho người có bệnh lý về xương khớp với mong muốn giúp mọi người rèn luyện sức khỏe và đẩy lùi bệnh tật.

Vượt qua ung thư vú, bà cảm thấy "như mình được sống cuộc đời thứ hai", biết yêu thương bản thân và trân trọng cuộc sống hơn. "Tôi rút ra được kinh nghiệm là nên lạc quan với bệnh tật, ung thư không phải là dấu chấm hết, nếu chữa trị kịp và tin tưởng vào bác sĩ thì cơ hội sống khỏe sẽ cao", người phụ nữ chia sẻ.

Tại Việt Nam, thống kê của Tổ chức Ghi nhận Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN 2020), ung thư vú là căn bệnh ung thư thường gặp nhất với 21.555 ca mắc mới mỗi năm, chiếm tỷ lệ gần 26% tổng số ca ung thư. Bác sĩ khuyến cáo phụ nữ trên 40 tuổi là nhóm có nguy cơ cao mắc ung thư vú, nên chủ động đến bệnh viện khám và tầm soát ung thư vú. Ngoài ra, tự khám vú cũng giúp phát hiện sớm ung thư vú thông qua những bất thường chưa rõ nguyên nhân xuất hiện ở vú.

huong-dan-tu-kham-vu-tai-nha-1493526001.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=RpcBDWMXFLqlfefHIq9kZw
Hướng dẫn tự khám vú tại nhà

Hướng dẫn 5 bước tự khám vú phát hiện sớm ung thư.

Ngọc Nhi

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022