Giống chuối biến đổi gene còn gọi "siêu chuối", được tạo ra tại Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc gia của Uganda (NARL). Các nhà khoa học đã tiêu tốn hàng triệu USD và 20 năm để cho ra đời giống chuối này.
Trước đó, giới chuyên gia lai tạo cây chuối để cải thiện khả năng kháng sâu bệnh, nấm hoặc chịu được môi trường hạn hán. Lần này họ tăng cường lượng chất dinh dưỡng trong chuối để phục vụ lợi ích sức khỏe con người.
Chuối là thực phẩm chính trong chế độ ăn uống của người Uganda. Một người dân nước này ăn trung bình 39 kg chuối một năm. Tuy nhiên, các loại chuối địa phương không cung cấp đủ vitamin cho chế độ ăn uống lành mạnh.
Các nhà khoa học phát hiện các giống chuối khác giàu vitamin A hơn, chẳng hạn chuối Asupina trên đảo New Guinea, chứa lượng tiền tố vitamin A cao gấp 30 lần so với chuối cao nguyên Đông Phi. Bằng cách cô lập gene tổng hợp phytoene của chuối Asupina, các nhà khoa học cho ra đời loại chuối có năng suất cao, hương vị thơm ngon và hàm lượng vitamin A cao hơn.
Bước đột phá này là kết quả hợp tác giữa phòng thí nghiệm ở Kawanda của giáo sư Wilberforce Tushemereirwe và nhà khoa học nông nghiệp James Dale. Nghiên cứu cũng nhận được khoản tài trợ 11 triệu USD của Quỹ Bill và Melinda Gates.
Các nhà khoa học đang kiểm tra những mẫu siêu chuối tại Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc gia (NARL). Ảnh: Redux
Phương pháp điều trị thiếu vitamin A đã được biết đến trong một thế kỷ. Căn bệnh thiếu vitamin A hầu như biến mất khỏi các quốc gia phát triển. Tuy nhiên, nó vẫn là vấn đề sức khỏe cộng đồng toàn cầu nghiêm trọng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính 190 triệu trẻ em mẫu giáo bị thiếu vitamin A, chủ yếu thuộc châu Phi cận Sahara và Đông Nam Á.
Đây là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa có thể phòng ngừa được ở trẻ em. Nó cũng ức chế sự phát triển của trẻ, từ đó làm suy yếu khả năng chống lại bệnh tật, khiến nhiều trẻ tử vong vì các bệnh có thể chữa được như tiêu chảy và sởi.
Tính riêng châu Phi, tình trạng thiếu vitamin A thầm lặng do suy dinh dưỡng là nguyên nhân gây ra 6% số ca tử vong ở trẻ nhỏ. Tại Uganda, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, căn bệnh vẫn là mối nguy sức khỏe cao.
Thục Linh (Theo National Geographic)