Ngày 12/5, đại diện Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho biết bệnh nhân phát hiện 2 tổn thương tại gan phải, kích thước 4,5 cm và 1 cm trong lần khám sức khỏe định kỳ, không có triệu chứng. Bác sĩ nghi ngờ nguyên nhân là ký sinh trùng.

Kết quả xét nghiệm máu dương tính với kháng thể giun đũa chó mèo. Bệnh nhân được chẩn đoán tổn thương gan do ký sinh trùng. Người bệnh cho biết thường xuyên ăn rau sống, thức ăn chưa chế biến kỹ và tiếp xúc gần với chó, mèo trong nhà. Bác sĩ nhận định những thói quen này tạo điều kiện cho ký sinh trùng xâm nhập vào cơ thể, dẫn đến tổn thương gan. Sau khi xác định nguyên nhân, bệnh nhân được điều trị thuốc và hướng dẫn thay đổi chế độ sinh hoạt để phòng tránh tái nhiễm.

Theo bác sĩ Đặng Thị Tâm, chuyên khoa Nội, nhiễm ký sinh trùng có thể không biểu hiện rõ ràng hoặc triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường. Các triệu chứng tiêu biểu bao gồm mệt mỏi, sốt, thiếu máu, sụt cân; ngoài ra còn có thể gặp ngứa, mẩn đỏ, tổn thương da, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn, chán ăn hoặc biểu hiện về đường hô hấp, thần kinh.

495571197-3062952633855070-734-7491-3403-1747041177.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=z78ctvzpxw2VXF9LSl_d-w

Khối tổn thương gan do ký sinh trùng. Anh: Bệnh viện cung cấp

Giun đũa chó mèo (Toxocara) là loại ký sinh trùng sống trong cơ thể chó mèo, trứng giun thường phát tán ra môi trường qua phân. Khi con người vô tình ăn phải trứng giun qua thực phẩm, nước uống hoặc tiếp xúc với đất nhiễm bẩn, trứng sẽ phát triển thành ấu trùng và di chuyển qua các cơ quan như phổi, gan, mắt, não, thận...

Ấu trùng chết có thể gây hoại tử, tổn thương tế bào lân cận, dẫn đến các triệu chứng như ngứa, nổi mẩn, viêm phổi, tổn thương gan, suy giảm thị lực, thậm chí viêm não và màng não.

Các chuyên gia nhận định việc nuôi chó mèo làm thú cưng và thả rông là hai nguyên nhân chính khiến bệnh gia tăng. Nhiều người coi chó mèo như bạn thân, thường xuyên ôm hôn, ngủ chung, nhưng không chú ý vệ sinh, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cao. Ngứa là triệu chứng phổ biến nhất, theo đó nhiều người ngứa đến mức mất ngủ, gãi trầy xước da, gây nhiễm trùng. Số liệu thống kê tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho thấy hàng chục nghìn người Việt nhiễm giun đũa chó mèo mỗi năm.

Để phòng bệnh, người dân cần vệ sinh môi trường sống, không để trẻ em chơi ở những nơi có phân chó mèo, rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, ăn chín uống sôi và tẩy giun định kỳ cho vật nuôi. Đặc biệt, cần hạn chế tiếp xúc trực tiếp với thú cưng, nhất là ôm hôn hoặc ngủ chung.

Quá trình điều trị bệnh thường kéo dài và phụ thuộc vào mức độ nhiễm bệnh. Một số bệnh nhân cải thiện sau một liệu trình, nhưng nhiều người cần 2-3 đợt điều trị, với sự theo dõi sát sao của bác sĩ để điều chỉnh thuốc phù hợp. Sau khi điều trị, các triệu chứng như sốt, tiêu chảy, tổn thương thận thường được cải thiện rõ rệt.

Thúy Quỳnh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022