Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Năm 2024, Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra cảnh báo về việc gia tăng các ca mắc sởi và nguy cơ bùng phát dịch sở i ở nhiều khu vực trên thế giới. Ở nước ta, tình hình bệnh sởi đang diễn biến khá phức tạp. Ngày 26/10, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM cho biết, tuần qua trên địa bàn thành phố tiếp tục ghi nhận sự gia tăng số ca mắc sởi với 131 trường hợp (tăng 23,3% so với trung bình 4 tuần trước). Tổng số ca sởi tích lũy từ đầu năm 2024 đến nay là 1.192 ca.

Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí thoát ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, nói chuyện… do đó sởi rất dễ lây lan ở những khu vực đông người như: nhà trẻ, trường học, khu đông dân cư, dễ gây thành dịch.

TS.BS. Nguyễn Văn Lâm (BV Nhi Trung ương) cho biết, sởi là loại bệnh lành tính, nhưng có khả năng gây suy giảm miễn dịch rất nhanh nên trẻ mắc bệnh rất dễ mắc các căn bệnh kèm theo khác như viêm phổi, tiêu chảy…. và có thể diễn biến nặng hoặc tử vong do những căn bệnh cơ hội này. Có thể nói, tình trạng đáng ngại nhất của bệnh là các biến chứng sởi .

skynews-measles-stock-6367226-2829-1730120362906-17301203631491994285650.jpg

Bệnh sởi không chỉ gây ra các triệu chứng cấp tính, mà còn dẫn đến nhiều biến chứng hô hấp, thần kinh và tiêu hóa.

Biến chứng thần kinh, biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi

Viêm não - màng não - tủy cấp: Là biến chứng nguy hiểm gây tử vong và di chứng cao, thường gặp ở trẻ lớn (tuổi đi học), xuất hiện vào tuần đầu của ban (ngày 3-5 của ban). Triệu chứng bệnh khởi phát đột ngột, người bệnh sốt cao vọt, có thể co giật, rối loạn ý thức như hôn mê, liệt nửa người hoặc một bên chi, liệt dây thần kinh số III, VII. Ngoài ra, bệnh nhân hay gặp hội chứng tháp - ngoại tháp, tiểu não, tiền đình... Viêm não có thể gây co giật, hôn mê, tử vong hoặc ảnh hưởng nặng nề đến tinh thần và thể chất của trẻ sống sót. Phụ nữ mang thai nếu bị sởi thì có thể bị sẩy thai, thai chết lưu, sinh non hoặc sinh con nhẹ cân.

  • avatar1729081892484-1729081892759195784576-0-27-315-531-crop-1729081982897674496645.jpg

    4 ca tử vong vì bệnh sởi, dịch đang tăng nhanh ở phía Nam

Biến chứng viêm tủy biểu hiện dưới dạng liệt hai chi dưới, rối loạn cơ vòng.

Viêm màng não: Một dạng biến chứng thần kinh khác của bệnh sởi là viêm màng não kiểu thanh dịch và viêm màng não mủ sau viêm tai do bội nhiễm.

Viêm não chất trắng bán cấp xơ hóa: Đây là biến chứng ít gặp nhưng rất khó tiên lượng và để lại bệnh cảnh nặng nề, gặp ở tuổi từ 2 - 20, xuất hiện muộn sau vài năm mắc sởi. Điều này cho thấy virus sởi có thể sống tiềm tàng nhiều năm trong cơ thể bệnh nhân có đáp ứng miễn dịch bất thường. Diễn biến của biến chứng từ vài tháng đến 1 năm. Bệnh nhân có thể tử vong trong tình trạng tăng tương lực cơ và co cứng mất não.

Cảnh giác với những biến chứng ở cơ quan hô hấp

Viêm phế quản: Thường do bội nhiễm, xuất hiện vào cuối thời kỳ mọc ban. Biểu hiện sốt lại, ho nhiều, nghe phổi có ran phế quản, bạch cầu tăng, trên phim Xquang nhìn rõ hình ảnh phế quản bị viêm..

Viêm phế quản- phổi: Đây là biến chứng do bội nhiễm, thường xuất hiện muộn sau khi sởi mọc ban. Khi trẻ có dấu hiệu sốt cao khó thở, nghe phổi có nhiều âm ran phế quản, bạch cầu tăng là bệnh đã nặng. Biến chứng này rất nguy hiểm và thường là nguyên nhân gây tử vong trong bệnh sởi, nhất là ở trẻ nhỏ.

Viêm thanh quản: Biến chứng viêm thanh quản có thể gặp ở các giai đoạn của bệnh sởi. Biến chứng ở giai đoạn sớm, là do virus sởi: xuất hiện ở giai đoạn khởi phát, giai đoạn đầu của mọc ban, biến chứng viêm có thể mất theo nốt ban, bệnh nhân có cơn khó thở do co thắt thanh quản. Biến chứng ở giai đoạn muộn là do bội nhiễm (hay gặp do bệnh nhân sởi bị nhiễm tụ cầu, liên cầu, phế cầu...), xuất hiện sau mọc ban. Lúc này bệnh nhi có biểu hiện sốt cao vọt lên, ho nhiều, khàn tiếng, khó thở, tím tái.

Biến chứng tai - mũi - họng: thường gặp là viêm mũi họng bội nhiễm, viêm tai và viêm tai xương chũm. Nguy hiểm nhất là khoảng 1/10 bệnh nhi sởi sẽ bị nhiễm trùng tai (viêm tai giữa) và có thể gây điếc vĩnh viễn nếu không điều trị đúng và kịp thời.

Những biến chứng nặng nề đối với cơ quan tiêu hóa

Viêm niêm mạc miệng: Biến chứng xảy ra ở giai đoạn đầu của bệnh sởi là do virus sởi, thường hết cùng với ban. Biến chứng có thể xảy ra ở giai đoạn muộn của bệnh sởi, thường do bội nhiễm.

Cam tẩu mã: Xuất hiện muộn, do bội nhiễm một loại vi khuẩn hoại thư gây loét niêm mạc miệng, lan sâu rộng vào xương hàm gây hoại tử niêm mạc, viêm xương, rụng răng, hơi thở hôi thối.

Tiêu chảy: cũng thường gặp ở những trẻ bị sởi. Tiêu chảy sau sởi nặng nề hơn và có nhiều biến chứng hơn tiêu chảy cấp do virus thông thường.

Viêm loét giác mạc : Có thể gặp ở trẻ mắc sởi bị suy dinh dưỡng, thiếu vitamin A và có thể gây mù vĩnh viễn.

Bệnh sởi ở trẻ biến chứng nặng chủ yếu do những sai lầm trong chăm sóc

Trẻ nhiễm bệnh sởi có thời gian ủ bệnh từ 7- 21 ngày, sau đó trẻ có các triệu chứng như sau: sốt cao > 39°C; viêm long đường hô hấp trên, chảy nước mũi, ho khan kéo dài, khàn tiếng, chảy nước mắt, mũi, ho, viêm màng tiếp hợp, mắt có gỉ kèm nhèm, sưng nề mí mắt. Cách nhận biết ban sởi: Ban mọc theo thứ tự bắt đầu ngày thứ nhất từ đầu, mặt, cổ, ngày thứ 2 ở ngực lưng cánh tay, ngày thứ 3 ở bụng, mông, đùi, chân, khi ban mọc tới chân thì trẻ hết sốt và ban bắt đầu bay.

Với trường hợp mắc sởi nhẹ, có thể chăm sóc tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ. Cần đưa trẻ mắc sởi đến cơ sở y tế gần nhất khi có các dấu hiệu sau: Trẻ sốt cao liên tục ≥ 39°C - 40°C; Khó thở, thở nhanh; Mệt mỏi, không ăn uống gì, không chơi, lơ mơ…; Phát ban toàn thân mà vẫn sốt.

Thực tế hiện nay, nhiều trẻ gặp biến chứng nặng của bệnh sởi là do sai lầm trong phương pháp chăm sóc của người lớn. Chả hạn như việc giữ con ở nhà điều trị quá lâu mà không theo dõi sát tình trạng trẻ, nhiều người kiêng gió kiêng nước, không tắm cho trẻ làm trẻ bị bội nhiễm trên da, viêm kết mạc…

Một số phụ huynh nhầm lẫn giữa sởi và sốt phát ban dẫn đến điều trị sai, tình trạng trẻ càng trầm trọng thêm. Với trường hợp bị sốt phát ban thông thường, triệu chứng hay gặp là người bệnh bị nổi đồng loạt khắp cơ thể những nốt nhỏ màu hồng hoặc đỏ mịn, ẩn dưới bề mặt da. Khi nốt ban “bay” hết, da bệnh nhân sẽ trở về bình thường, không để lại vết thâm hoặc sẹo. Còn với trường hợp bị bệnh sởi, nốt ban xuất hiện ở từng bộ phận, sau đó vài ngày mới lan xuống toàn thân. Đặc điểm ban sởi là ban gồ lên mặt da, khi “bay” sẽ để lại những vết thâm trên da. Khi trẻ bị sởi có thêm dấu hiệu đặc trưng đi kèm là chảy nước mũi, ho và mắt đỏ.

vwh-dermnetnz-measles-01-8e2f8083378f459189545803d3168a94-9524-1730120363844-1730120363920606671174.jpg

Ban sởi dạng dát sẩn, ban gồ trên bề mặt da, không đau, không hoặc ít ngứa và không mưng mủ, nổi theo thứ tự.

Để phòng bệnh sởi cho trẻ, với các trẻ dưới 9 tháng tuổi chưa đủ tháng để được tiêm vaccin sởi cần có chế độ chăm sóc trẻ hợp lý, bổ sung dinh dưỡng tăng sức đề kháng cho trẻ. Tránh cho trẻ tiếp xúc với những ai nghi ngờ mắc sởi, những nơi đông người, không đến vùng có dịch sởi. Trẻ trên 9 tháng phải đưa đi tiêm phòng sởi và tiêm nhắc lại mũi 2 theo hướng dẫn của bác sĩ.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022