"Thành phố đang chuyển trọng tâm từ điều trị sang phòng bệnh và tầm soát phát hiện sớm bệnh ung thư cũng như các bệnh không lây nhiễm khác", ông Dũng nói tại Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập Bệnh viện Ung bướu TP HCM, chiều 15/5.

Theo ông Dũng, TP HCM đang có định hướng xây dựng một số trung tâm tầm soát bệnh ung thư và các bệnh không lây nhiễm khác như đột quỵ, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính... Trong đó, một trung tâm tầm soát sẽ đặt tại cơ sở Bệnh viện Ung Bướu ở quận Bình Thạnh, hướng đến mục tiêu giảm tỷ lệ mắc mới ung thư, cải thiện tiên lượng và chất lượng sống của bệnh nhân.

233A2448-3439-1747310525.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=oeFr7LmDKYhU5WebAggA0Q

Bệnh nhân chờ khám bệnh tại Bệnh viện Ung Bướu TP HCM cơ sở 2, TP Thủ Đức. Ảnh: Quỳnh Trần

TS.BS Diệp Bảo Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM, cho biết mỗi năm nơi này đón hơn mỗi năm 880.000 lượt bệnh nhân đến khám bệnh, gần 55.000 lượt điều trị nội trú, tăng dần qua từng năm. Các y bác sĩ thực hiện gần 39.000 ca mổ, 180.000 lượt xạ trị và 320.000 lượt điều trị nội khoa như hóa trị, liệu pháp nhắm đích, liệu pháp miễn dịch.

Trong năm qua, bệnh viện triển khai nhiều kỹ thuật mới như ghép tế bào gốc điều trị các bệnh lý ung thư huyết học, tắc mạch gan trị ung thư gan, lập đơn vị ghép tế bào gốc, phòng khám tư vấn di truyền... Các bác sĩ tiếp tục phát triển các kỹ thuật chuyên sâu về xạ trị, phẫu thuật nội soi robot, phẫu thuật vi phẫu tái tạo, áp dụng các phác đồ điều trị mới. Dự kiến, bệnh viện thành lập các phòng tư vấn tâm lý lâm sàng, áp dụng AI trong chẩn đoán hình ảnh Xquang, trong lập kế hoạch xạ trị, chẩn đoán hình ảnh giải phẫu bệnh...

Theo người đứng đầu Bệnh viện Ung bướu TP HCM, trong lịch sử 40 năm phát triển, nơi này đã có những thay đổi vượt bậc từ khi đưa vào hoạt động cơ sở 2 rất khang trang, hiện đại tại TP Thủ Đức, năm 2023. Từ cơ sở ban đầu chỉ có 425 giường và 465 nhân viên, hiện quy mô viện lên đến 1.300 giường, hơn 1.900 nhân viên, trang bị đầy đủ các phương tiện điều trị đa mô thức như 13 máy xạ trị ngoài, hệ thống xạ trị trong, 20 phòng mổ hiện đại với áp lực dương bảo đảm vô khuẩn, hệ thống giải trình tự gene thế hệ mới, xét nghiệm sinh học phân tử...

Kế hoạch giai đoạn 2026-2030, Bệnh viện Ung bướu sẽ được đầu tư xây dựng mới Trung tâm khám sức khỏe và tầm soát bệnh bằng công nghệ cao, xây Khu phụ trợ 2,7 ha, lập Trung tâm xạ trị Proton, trang bị lò cyclotron sản xuất thuốc phóng xạ...

233A2973-2138-1747310525.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=I3VP9ScQ_clolQShd18nTg

Bệnh nhân ung thư xạ trị tại Bệnh viện Ung Bướu TP HCM cơ sở 2, TP Thủ Đức. Ảnh: Quỳnh Trần

Lãnh đạo UBND TP HCM đánh giá cao bệnh viện đã tiên phong thực hiện chiến lược liên kết vùng, hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện vệ tinh tại nhiều địa phương phía Nam. Điều này góp phần giảm tải và nâng cao chất lượng chăm sóc bệnh nhân ngay tại tuyến trước.

"Đây chính là hướng đi đúng đắn, phù hợp với định hướng phát triển y tế của thành phố và cả nước trong bối cảnh mới, đặc biệt là khi TP HCM đang triển khai đề án trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN", ông Dũng nói.

Ông đề nghị bệnh viện tiếp tục nâng cao chất lượng khám chữa bệnh theo hướng quốc tế hóa, tăng cường hợp tác quốc tế, mở rộng mạng lưới nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đào tạo chuyên sâu với các trung tâm ung bướu hàng đầu tại ASEAN và thế giới, tham gia vào quá trình chuyển đổi số, phát triển y tế thông minh... Bệnh viện không chỉ là nơi điều trị mà cần vươn lên trở thành trung tâm học thuật, trung tâm chuyên giao tri thức hàng đầu trong lĩnh vực ung thư, góp phần khẳng định vị thế của y tế TP HCM trên bản đồ y học khu vực.

Bệnh viện Ung bướu TP HCM thành lập ngày 15/5/1985 trên cơ sở kết hợp giữa Bệnh viện Ung thư, Viện Ung thư Việt Nam, Khoa Ung bướu Bệnh viện Bình Dân. Hiện nay, đây là cơ sở tuyến cuối khám chữa bệnh về ung thư tại TP HCM cũng như khu vực phía Nam.

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022