Sáng 2/8, gặp lại bác sĩ Nguyễn Thị Nhã, Giám đốc Trung Tâm hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện nhân Ngày hội tư vấn vô sinh hiếm muộn, chị Phấn xúc động ôm bác sĩ, liên tục nói cảm ơn. Ở tuổi muộn mằn, chị không nghĩ mình còn cơ hội làm mẹ như những người phụ nữ khác. Hôm nay, chồng chị, anh Cấn Văn Đức 55 tuổi, bận công việc nên không thể xuống cùng. Bé gái Cấn Gia An hai tuổi, nặng khoảng 12 kg, ăn no ngả đầu vào vai mẹ ngủ. Ôm con vào lòng, chị nói "đây là phép màu" với vợ chồng sau 17 năm chạy chữa vô sinh.

"Bất cứ ai, dù là bệnh nhân vô sinh hiếm muộn lâu năm khi nghe con số 17 năm chạy chữa đã sinh con của tôi cũng không tin, tưởng nghe nhầm. Chính tôi cũng không nghĩ mình đủ kiên trì để có quả ngọt này, bởi đây là chuỗi ngày tồi tệ cả tinh thần lẫn kinh tế. Cuối cùng, tôi vẫn là người may mắn", chị Phấn nói.

Từ ngày con gái chào đời, anh Đức yên tâm lo kinh tế gia đình còn chị Phấn tất bật chăm sóc con, chăm sóc bố mẹ. Công việc cứ cuốn lấy đôi vợ chồng đã kết hôn được gần hai thập kỷ, nhưng với họ đây là hạnh phúc. Chị dự định tháng 8 sẽ chuyển phôi mang thai một lần nữa để con gái có em, nhà thêm tiếng trẻ thơ.

vo-sinh-hiem-muon1-6383-1659442726.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=exQH_Goq6eOOV5RIAoRf5w

Chị Trần Thị Kim Phấn gặp lại y bác sĩ tại Bệnh viện Bưu Điện, ngày 2/8. Ảnh: Thùy An

Vợ chồng chị Phấn kết hôn năm 2002, chị từng mang thai nhưng bị lưu. Từ đó, vợ chồng liên tục chạy chữa vô sinh hiếm muộn, uống thuốc lá ba năm liên tục, "ai mách gì chữa nấy" song không thành. Năm 2006, chị đến bệnh viện lớn để điều trị, dùng thuốc đông tây y kết hợp. Gần 10 năm chạy chữa, chị thuộc hết tên các bác sĩ, tiền cũng cạn, tuổi cao, chưa mang thai vẫn quyết không từ bỏ.

Hầu hết lần chuyển phôi vào tử cung của chị đều thành công, song chỉ đậu thai được một đến hai tháng là hỏng. Năm 2018, chị mang thai đôi, đến tháng 4 bất ngờ bị đau bụng, chảy máu. Đây là lần chị mang thai lâu nhất, rồi bác sĩ thông báo không giữ được thai.

Năm 2019, hai vợ chồng đến Bệnh viện Bưu điện can thiệp, là lần thứ 10 làm thụ tinh nhân tạo. Bác sĩ xác định chị bị xoắn đáy tử cung, phải phẫu thuật trước. Khi sức khỏe ổn định, tháng 10/2019, chị chuyển 12 phôi, nuôi 4 phôi ngày thứ 5, đậu hai thai. Không may, một thai lưu. May mắn, sức khỏe thai nhi còn lại ổn định.

Tuần thai thứ 35, chị đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội kiểm tra, bị tăng huyết áp nên phải mổ cấp cứu, bé gái chào đời ngày 28/6/2020. "Tôi nhớ như in tiếng con khóc. Lúc đó, tôi biết mình được làm mẹ, nước mắt cứ rơi không ngừng", chị Phấn chia sẻ.

Bác sĩ Nhã cho biết 9 năm qua, bệnh viện đã giúp hàng nghìn cặp vợ chồng được thực hiện thiên chức làm bố mẹ, kể cả những trường hợp khó như không có tinh trùng, tinh trùng bất động, chuyển phôi nhiều lần thất bại... Mỗi năm, hàng trăm em bé chào đời khỏe mạnh nhờ thụ tinh nhân tạo.

Cũng đến bệnh viện gặp gỡ sáng nay, vợ chồng chị Phạm Thị Phượng 34 tuổi và anh Lý Hoàng Long 38 tuổi vui vẻ khoe cậu con trai với bác sĩ. Hai vợ chồng kết hôn năm 2010 và sinh bé gái đầu lòng, sau đó mãi không mang thai tiếp. Bác sĩ chẩn đoán anh Long không có tinh trùng do từng mắc quai bị dẫn đến vô sinh thứ phát.

Bác sĩ khuyên gia đình xin tinh trùng nhưng chị Phượng muốn can thiệp để có con của mình. Năm 2015, vợ chồng đến bệnh viện thụ tinh nhân tạo nhưng không thành. Một năm sau, hai vợ chồng chuyển phôi lần hai, vẫn thất bại. "Những vợ chồng có con bình thường có lẽ không thể hiểu được những cảm xúc mà các cặp đôi hiếm muộn trải qua", anh Long nói. Vợ chồng vẫn tiếp tục điều trị bằng phương pháp Micro Tese và thành công ngay lần đầu thực hiện.

Hay, vợ chồng chị Hoàng Thị Hường 34 tuổi và anh Vũ Đăng Quang 36 tuổi bị vô sinh thứ phát do vợ mang gene bệnh tan máu bẩm sinh - bệnh có yếu tố di truyền. Chuyển phôi thành công, chị Hường sinh bé trai nay được 15 tháng tuổi, cháu khỏe mạnh, không mang gene bệnh.

z3558921488312-1642666e51977c5-1979-7044-1659442726.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=f4UaaehC0knXcMQneZ-erg

Bệnh viện Bưu điện hỗ trợ kinh phí thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) cho 99 cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn có hoàn cảnh khó khăn, nhận hồ sơ từ ngày 1/8 đến 31/10. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Theo bác sĩ Nhã, vô sinh, hiếm muộn có nhiều nguyên nhân như tinh trùng yếu, kém, tỷ lệ dị dạng cao hoặc rối loạn buồng trứng, tắc vòi trứng bệnh tử cung, rối loạn phóng noãn (rụng trứng), niêm mạc tử cung mỏng hoặc viêm lộ tuyến... Việt Nam là một trong những quốc gia khu vực châu Á Thái Bình Dương có tỷ lệ sinh thấp và vô sinh cao, gần 8% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản đang đối mặt với hiếm muộn. Ước tính cả nước hiện nay có trên một triệu cặp vợ chồng hiếm muộn cần khám và điều trị.

Bác sĩ Nhã cũng cho rằng kỹ thuật điều trị vô sinh hiếm muộn ở Việt Nam ngày càng phát triển, cộng đồng ngày nay cũng cởi mở hơn đối với người vô sinh, hiếm muộn. Nhiều gia đình không còn mặc cảm, chủ động tìm đến bác sĩ điều trị.

Bác sĩ khuyên các đôi lứa nên khám tiền hôn nhân để kiểm tra khả năng sinh sản và điều trị theo phác đồ chỉ định của bác sĩ, đảm bảo an toàn trước khi mang thai.

Thùy An

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022