Là một trong những cơ quan làm việc chăm chỉ nhất trong cơ thể, phổi đảm nhiệm việc duy trì chức năng hoạt động của hệ hô hấp và giữ cho chúng ta sống sót. Vai trò chính của phổi bao gồm vận chuyển oxy đi khắp cơ thể và loại bỏ carbon dioxide. Đó là lý do tại sao làm sạch phổi lại là việc quan trọng chúng ta nên làm.

Nếu bạn đang trải qua các triệu chứng như khó thở, ho mãn tính, có đờm hoặc thở khò khè... có khả năng phổi của bạn đang gặp vấn đề. Trên thực tế, đây là một trong những dấu hiệu cảnh báo sớm phổ biến nhất của các bệnh ở phổi.

Có thể làm sạch phổi không? Phổi thực sự có khả năng làm sạch và tự chữa lành - miễn là chúng được cung cấp chất dinh dưỡng thích hợp, không khí và nước sạch, không tiếp xúc với các chất kích thích, ô nhiễm...
draxelungdetoxheader-16728991763541913398867.jpg

"Giải độc" phổi là gì?

"Giải độc" phổi là việc làm giúp đẩy lùi tổn thương phổi. Trong một số trường hợp, làm sạch phổi cũng được thực hiện để giúp cải thiện hơi thở và giảm các triệu chứng như ho.

Những người càng nên "giải độc" phổi bao gồm:

- Người hút thuốc lá (các loại thuốc lá), cần sa.

- Những người tiếp xúc với ô nhiễm không khí, hóa chất, khí và chất kích thích có thể gây hại cho phổi, chẳng hạn như clo, phosgene, sulfur dioxide, nitơ dioxide và amoniac.

- Những người có tình trạng sức khỏe hệ hô hấp kém, như là mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), hen suyễn, dị ứng, xơ nang hoặc bệnh phổi kẽ...

- Những người bị ung thư phổi.

Làm thế nào để làm sạch phổi?

Có rất nhiều chất bổ sung và các sản phẩm khác có tác dụng làm sạch phổi, nhưng quan trọng hơn, bạn nên chủ động bảo vệ phổi của mình ngay trong cuộc sống hàng ngày.

Dưới đây là các bước bạn có thể thực hiện để giúp chăm sóc phổi và thực hiện việc "giải độc" phổi một cách đơn giản nhất cho dù bạn có đang gặp các triệu chứng hô hấp hay không.

lung-detox-16728992845121549538047.jpg

1. Bỏ thuốc lá

Bước đầu tiên liên quan đến việc "giải độc" phổi cho người hút thuốc là bỏ hút thuốc. Điều này không dễ dàng, nhưng thật khó để có được lá phổi khỏe mạnh nếu bạn liên tục đưa các hóa chất độc hại vào phổi.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, có một số cách để bỏ hút thuốc. Nếu bạn cần giúp đỡ để bỏ thuốc, hãy cân nhắc thử một chương trình cai thuốc lá hoặc làm việc với một nhà trị liệu có kinh nghiệm.

2. Tránh các chất ô nhiễm và chất kích thích

Một số chất ô nhiễm, hóa chất và chất kích thích có hại có khả năng gây ra các vấn đề về phổi hoặc khiến bệnh phổi nghiêm trọng hơn.

Những chất kích thích phổi này đến từ đâu? Các nguồn hàng đầu bao gồm: Khí đốt tự nhiên và dầu mỏ; Phương tiện giao thông; Thiết bị của người dân như máy sưởi ấm và làm mát...

Để tránh tiếp xúc với các chất ô nhiễm trong nhà và tại nơi làm việc, bạn nên giữ cho nhà mình sạch sẽ và không dành nhiều thời gian ở ngoài trời khi chất lượng không khí kém.

Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ khuyên bạn nên kiểm tra chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại địa phương bằng cách sử dụng một công cụ trực tuyến. Khi giá trị AQI cao hơn tức là có nhiều ô nhiễm hơn trong không khí. Điều này có thể gây ra vấn đề cho những người nhạy cảm. Trong những ngày có chỉ số ô nhiễm không khí cao, tốt nhất bạn nên hạn chế ra ngoài.

Ở nhà, bạn có thể hạn chế kích ứng phổi bằng cách làm sạch không khí. Giữ cho không gian sống của mình thoáng đãng bằng cách mở cửa sổ khi có thể và sử dụng máy lọc không khí ở bất cứ nơi nào bạn sinh hoạt nhiều.

20080303-smoking-16728994027051953220446.jpg

3. Thực hiện các bài tập thở

Hít thở chậm và sâu giúp di chuyển nhiều oxy hơn qua phổi. Hãy thử các bài tập thở sâu thường xuyên, chẳng hạn như thở bụng, thở cơ hoành. Những bài tập này cũng có những lợi ích bổ sung để chống lại căng thẳng, giúp thư giãn và dễ ngủ.

4. Tập thể dục

Tập thể dục có nhiều lợi ích cho hệ hô hấp cũng như hệ miễn dịch. Nó giúp tăng cường lưu thông, hỗ trợ giải độc và dẫn lưu bạch huyết. Tăng nhịp thở giúp mang lại nhiều oxy hơn cho cơ bắp và các cơ quan khác.

Khi bạn tập thể dục và thở mạnh hơn bình thường một chút, bạn sẽ giúp phổi loại bỏ nhiều carbon dioxide hơn. Điều này rất quan trọng đối với sức khỏe tế bào và duy trì cân bằng nội môi. Tập thể dục cũng có thể giúp cải thiện sức khỏe của các mô trong và xung quanh phổi.

Cố gắng tập thể dục khoảng 30 phút hầu hết các ngày trong tuần. Bạn có thể đi bộ nhanh hoặc chạy bộ chậm, đạp xe, bơi lội, khiêu vũ...

5. Ăn một chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng, chống viêm

Phổi được hưởng lợi rất nhiều từ thực phẩm giàu chất chống oxy hóa và vitamin, đặc biệt là vitamin C, vitamin A.

lungs-as-oranges-16728992506191995429080.jpg

Một số thực phẩm tốt nhất cho phổi bao gồm:

- Các loại rau lá xanh, như rau bina, cải xoăn...

- Các loại rau tươi khác, như bông cải xanh, ớt, nấm, cà rốt, đậu xanh...

- Trái cây, chẳng hạn như quả mọng, trái cây họ cam quýt, kiwi, anh đào...

- Các loại hạt

- Các loại đậu

- Các loại cá đánh bắt tự nhiên giàu omega-3, chẳng hạn như cá hồi và cá mòi

- Trà xanh

- Nghệ, gừng và các loại gia vị khác

- Chất béo lành mạnh, như dầu ô liu và bơ.

Đồng thời, bạn cần tránh các loại thực phẩm có thể làm trầm trọng thêm tình trạng viêm và dị ứng, bao gồm các sản phẩm chế biến chứa đường, phụ gia, chất béo chuyển hóa; Thịt chế biến; Đồ uống có đường; Dầu thực vật tinh chế...

Tóm lại, mặc dù việc "giải độc" phổi không có hiệu quả tức thì trong một sớm một chiều nhưng kiên trì thực hiện những gợi ý trên có thể giúp bạn làm sạch và bảo vệ phổi của mình tốt hơn.

Tin mới

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022