Người này bị tai nạn giao thông năm 2011, phải mổ mở khí quản vĩnh viễn và phải đeo ống canuyn để thông đường thở. Sau khi ra viện, ông được bác sĩ hướng dẫn tự thay nòng ống hàng ngày, cùng lịch tái khám định kỳ để thay ống. Tuy nhiên, trong những năm qua, ông không đi khám và thay dụng cụ như bác sĩ dặn. Giữa tháng 10, khi ông ho, ống thống bị gãy, rơi vào đường thở.

Vào Bệnh viện Bạch Mai điều trị, ông khó thở nhiều, ho đờm, không sốt, đau tức ngực, chẩn đoán có dị vật ở đường thở. Đoạn ống bị gãy kích thước lớn gây tắc hoàn toàn khí quản.

di-vat-duong-tho-1-2932-1668071185.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=1_iFe1UjBqFM93BakFTAkw

Ảnh chụp cắt lớp cho thấy dị vật ở trong khí quản của người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai

Phó giáo sư, tiến sĩ Phan Thu Phương, Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết người bệnh đã được can thiệp vào khí quản nhiều lần nên khó điều trị. Bác sĩ không thể sử dụng cách thông thường là nội soi lấy dị vật qua đường miệng, mà sử dụng lỗ mở khí quản của bệnh nhân, đồng thời phải nong rộng lỗ này. Một phương án khác là bệnh nhân phải mổ mở ở lồng ngực để lấy dị vật.

Bệnh nhân sau đó được phẫu thuật nội soi để lấy dị vật. Hiện sức khỏe người bệnh tốt, không khó thở, không sốt, được ra viện.

Bác sĩ Phạm Thị Phương Anh, điều trị bệnh nhân, cho biết trường hợp này hiếm gặp, cần được cảnh báo để phòng tránh những tình huống tương tự ở bệnh nhân mở khí quán. Những người từng mổ mở khí quản phải thường xuyên vệ sinh ống canuyn và đến cơ sở y tế để thay ống định kỳ, tránh để quá lâu dẫn đến gãy, dị vật rơi vào đường thở.

Chi Lê

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022