Minh Quang (25 tuổi), ở Tây Hồ, duy trì vết xăm ở mặt trong cánh tay trái nhiều năm như một cách thể hiện cá tính. Sau đó, chàng trai ứng tuyển vị trí tiếp viên hàng không, công việc yêu cầu thí sinh không được có hình xăm, sẹo trên tay. Khi thi tuyển, thí sinh phải mặc áo sơ mi cộc tay để giám khảo kiểm tra, vì vậy Quang quyết định xóa hình xăm.

Chi phí bỏ ra là hơn 6 triệu đồng, gấp 10 lần số tiền xăm hình ban đầu. Quang cho biết chọn một cơ sở nhỏ ở gần nhà, thay vì các trung tâm thẩm mỹ lớn, do được quảng cáo là "giá rẻ và công nghệ cao". Tuy nhiên, chàng trai lui tới tiệm 12-13 lần để xóa, vết xăm vẫn chưa hết mực, bên cạnh đó phải chịu thêm một vết sẹo lồi gây mất thẩm mỹ đến nay.

"Xóa xăm đau đớn hơn rất nhiều vì phải bắn laser vào vết xăm để đốt", Quang nói, cho biết từ bỏ ý định trở thành tiếp viên hàng không, tìm công việc khác ổn định hơn, không yêu cầu nhân viên có được xăm mình hay có vết sẹo trên cơ thể.

317046516-444009314601918-8795-4791-3978-1669710575.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=6-3y9JJIITzOUKneGqbZnA

Hình xăm trên cánh tay Quang. Ảnh: NVCC

Cùng cảnh ngộ, Nguyễn Tùng (28 tuổi) cho biết đã tốn khoảng 17 triệu đồng cho 5 lần xóa vết xăm bắp tay phải. Lý do là hình xăm khiến chàng trai khó ứng tuyển vào cơ quan nhà nước. Mỗi lần xóa xăm, chàng trai được bôi thuốc tê, nhưng vẫn cảm thấy đau "như cực hình", vùng da bị sưng đỏ, nổi bọng nước. Tùng cũng không tiếp tục xóa xăm, để dành tiền để tới bệnh viện điều trị một lần cho dứt hẳn.

Gần đây, nhu cầu xăm những hình nghệ thuật, cá tính ngày càng tăng trong xã hội, đặc biệt là ở giới trẻ. Hiện Việt Nam chưa có số liệu thống kê về số người xăm và xóa xăm, còn tại các nước phát triển như Mỹ, một cuộc khảo sát cho thấy cứ 10 người trưởng thành thì ba người sở hữu ít nhất một hình xăm, tăng so với mức 21% của một thập kỷ trước. Số người hối hận với quyết định xăm và muốn xóa hình cũng tăng theo, với 8% người có hình xăm (tương đương hơn 5 triệu người) hối hận về chúng.

Điều này khiến ngành công nghiệp xóa xăm thẩm mỹ bùng nổ. Theo phân tích của Allied Market Research, giá trị thị trường toàn cầu của ngành được dự báo đạt gần 800 triệu USD vào năm 2027, tăng mạnh từ khoảng 500 triệu USD vào năm 2019, khoảng 40% thị trường là Bắc Mỹ.

Bác sĩ Phạm Duy Linh, khoa Phẫu thuật tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện đa khoa Đức Giang cho biết đã tiếp nhận rất nhiều người bệnh đến khám và điều trị về hình xăm, lứa tuổi đa dạng. Một số bệnh nhân đi xăm ở cơ sở không uy tín, mực xăm kém chất lượng, dụng cụ không đảm bảo vô khuẩn. Sau đó họ bị lây chéo các bệnh về đường máu, viêm da, nhiễm trùng tại chỗ xăm.

Ngoài ra, một vài trường hợp mong muốn điều trị những sẹo lồi khủng, sẹo co kéo xuất hiện sau khi xóa xăm. Họ đã đi xóa, đi phẫu thuật ở nhiều nơi, tốn kém về tiền bạc nhưng không đạt được hiệu quả mong muốn. Như bệnh nhân nữ, 45 tuổi, có một hình xăm ở bả vai cánh tay bên trái. Chị điều trị tại cơ sở spa không uy tín, được tư vấn xóa xăm bằng dao điện. Đây là dụng cụ không được phép sử dụng để xóa xăm, gây ra tổn thương trên da, sau 2-3 tháng tạo thành sẹo lồi to, gây biến dạng co kéo, mất thẩm mỹ.

Khi đến với bác sĩ, vết sẹo của bệnh nhân có kích thước 10x5 cm, gồ cao trên mặt da, gây khó chịu, ngứa rát. Bác sĩ chỉ định cắt toàn bộ sẹo lồi, giải phóng co kéo, ghép da từ vùng bụng để chữa trị.

"Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng được cứu chữa, hồi phục hoàn toàn chất lượng da như lúc đầu. Nhiều bệnh nhân chỉ cải thiện 60-80% vùng sẹo sau xóa xăm, phải chịu di chứng đến hết đời", bác sĩ Linh nói.

xoa-xam-bv-duc-giang-6364-1669710575.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=zWOhIG94htQH6gohj2kFwQ

Vết sẹo lồi chằng chịt sau xóa xăm của nữ bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Đức Giang

Một bác sĩ da liễu khác cho biết xóa xăm có thể dẫn đến rối loạn sắc tố, như vùng da xóa xăm nhợt nhạt hơn (giảm sắc tố) hoặc sẫm màu hơn xung quanh (tăng sắc tố). Xóa xăm thẩm mỹ bằng laser, chẳng hạn xăm môi, kẻ mắt hoặc xăm lông mày có thể khiến vùng da thâm hơn ban đầu.

Biện pháp khác là phẫu thuật cắt bỏ phần da chứa hình xăm, gây đau đớn và chỉ có thể thực hiện với những hình xăm nhỏ. Phương pháp xâm lấn có thể để lại sẹo và gây nhiễm trùng trong một số trường hợp.

Theo bác sĩ Linh, nhu cầu xăm mình rất phổ biến, song mọi người cần cân nhắc kỹ nhu cầu, vị trí và kích thước xăm. Những người có hình xăm to, lâu năm, muốn xóa đi thì nên đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám, kiểm tra đánh giá độ sâu của hình xăm, tình trạng da, cũng như tham khảo về máy móc điều trị. Việc này giúp đảm bảo an toàn cho sức khỏe người bệnh, tiết kiệm chi phí.

Chi Lê

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022