1. Lối sống không lành mạnh, lạm dụng rượu làm tăng nguy cơ ung thư

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung thư là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai trên thế giới. Mỗi năm có gần 20 triệu ca mắc mới ung thư và hơn 10 triệu người tử vong vì bệnh này, trong đó 2/3 là ở các nước đang phát triển.

Thống kê mỗi năm Việt Nam có hơn 180.000 ca mắc mới, trên 120.000 người tử vong do ung thư. Các loại ung thư thường gặp là: ung thư gan , phổi, vú, dạ dày, đại tràng, trực tràng…

Theo WHO, những yếu tố nguy cơ gây ung thư phổ biến nhất có thể phòng tránh được lần lượt là: hút thuốc lá, uống rượu bia , thừa cân béo phì và thiếu hoạt động thể lực, nhiễm virus HPV lây truyền qua đường tình dục, các tác nhân ung thư nghề nghiệp...

Ngoài ra còn các yếu tố quan trọng khác làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư như nhiễm virus viêm gan B, C, ô nhiễm môi trường, chất phóng xạ, thực phẩm…

Sử dụng rượu là một trong những yếu tố nguy cơ đối với bệnh ung thư, cùng với việc sử dụng thuốc lá, thừa cân béo phì và ít vận động.

ung-thu-do-ruou1-1692349964425264136206-1692550629500-16925506296481997378268.jpg

Rượu gây tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể và làm tăng nguy cơ ung thư.

2. Rượu làm tăng nguy cơ ung thư như thế nào?

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, mặc dù sử dụng rượu chiếm khoảng 6% tổng số ca ung thư và 4% tổng số ca tử vong do ung thư ở Hoa Kỳ nhưng nhiều người không biết về mối liên hệ giữa việc sử dụng rượu và bệnh ung thư như thế nào.

Sử dụng rượu có liên quan đến bệnh ung thư các cơ quan như: miệng, họng, thanh quản, thực quản, gan, dạ dày, đại tràng, trực tràng… Đối với những loại ung thư này, càng uống nhiều rượu thì nguy cơ mắc ung thư càng cao. Nhưng đối với một số loại ung thư, đáng chú ý nhất là ung thư vú , uống một lượng nhỏ rượu cũng có thể làm tăng nguy cơ.

Ảnh hưởng của rượu đến nguy cơ ung thư chưa được xác định rõ. Tuy nhiên, trên thực tế, có thể có nhiều cách khác nhau mà rượu có thể làm tăng nguy cơ và điều này có thể phụ thuộc vào loại ung thư.

Khi vào cơ thể, rượu có thể được chuyển hóa thành acetaldehyde, một hóa chất có thể làm hỏng DNA bên trong tế bào và đã được chứng minh là gây ung thư ở động vật thí nghiệm.

Uống rượu cũng có thể dẫn đến stress oxy hóa trong tế bào, khiến chúng tạo ra nhiều loại oxy phản ứng hơn (các phân tử phản ứng hóa học có chứa oxy). Những thứ này có thể dẫn đến tổn thương bên trong các tế bào có thể làm tăng nguy cơ ung thư.

Rượu có thể kích thích các hóa chất độc hại khác, ví dụ như khói thuốc lá, xâm nhập vào các tế bào lót đường tiêu hóa trên dễ dàng hơn và làm chậm khả năng phân hủy và loại bỏ một số hóa chất độc hại của cơ thể. Điều này có thể giải thích tại sao sự kết hợp giữa hút thuốc và uống rượu có nhiều khả năng gây ung thư miệng hoặc cổ họng hơn là chỉ hút thuốc hoặc uống rượu.

3. Các loại ung thư liên quan đến rượu

Ung thư miệng, cổ họng, thanh quản và thực quản

Sử dụng rượu rõ ràng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư này. Đặc biệt, nếu uống rượu và hút thuốc cùng nhau làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư này gấp nhiều lần so với chỉ uống rượu hoặc hút thuốc.

Ung thư gan

Sử dụng rượu lâu dài có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư gan. Sử dụng rượu nặng, thường xuyên có thể làm hỏng gan, dẫn đến viêm và sẹo và làm tăng nguy cơ ung thư gan.

Ung thư ruột kết và trực tràng

Sử dụng rượu có liên quan đến nguy cơ ung thư ruột kết và trực tràng cao hơn. Bằng chứng cho điều này thường mạnh hơn ở nam giới so với nữ giới, nhưng các nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ ở cả hai giới.

Ung thư vú

Uống một lượng nhỏ rượu có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư vú ở phụ nữ. Rượu có thể làm tăng nồng độ estrogen trong cơ thể, điều này có thể giải thích một số nguy cơ gia tăng. Tránh hoặc cắt giảm rượu có thể là một cách quan trọng đối với nhiều phụ nữ để giảm nguy cơ ung thư vú.

ung-thu-do-ruou-1692350039017684461268-1692550630156-16925506302171029869546.jpg

Lạm dụng rượu làm tăng nguy cơ ung thư gan.

Để phòng ngừa ung thư liên quan đến rượu, Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo tốt nhất là mọi người không nên uống rượu. Những người đã uống rượu nên hạn chế uống không quá 2 ly mỗi ngày đối với nam giới và 1 ly mỗi ngày đối với nữ giới.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra một đơn vị uống chuẩn (ly tiêu chuẩn) chứa 10g cồn. Một ly tiêu chuẩn tương đương 1 chén rượu mạnh 30ml (40 độ); 1 ly rượu vang 100ml (13,5 độ); 1 cốc bia hơi 330ml, ¾ chai hoặc 1 lon bia 330ml.

Các chuyên gia y tế cũng khuyên chúng ta nên thực hiện một lối sống lành mạnh, có chế độ ăn uống khoa học, thường xuyên vận động thể lực, từ bỏ thói quen uống rượu, hút thuốc lá... để có một cơ thể khỏe mạnh, có sức đề kháng tốt giúp ngăn ngừa bệnh tật, trong đó ung thư.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022