Bệnh viện Bạch Mai dự trù bệnh nhân cần truyền đến 20 lít chế phẩm hiếm O Rh(D) âm. Để có đủ máu truyền, Bệnh viện Huyết học - Truyền máu Trung ương Viện cùng Câu lạc bộ nhóm máu hiếm miền Bắc phải liên tục huy động người nhóm hiếm đến hiến máu, hiến tiểu cầu trong suốt 10 ngày. Nhờ được truyền các chế phẩm máu thuộc nhóm máu hiếm O Rh(D) âm, cùng sự cứu chữa tận tình của các bác sĩ, sức khỏe bệnh nhân cải thiện dần, sau đó hồi phục và được xuất viện.

Trường hợp khác, một thanh niên 23 tuổi ở Thanh Hóa, có nhóm máu A Rh(D) âm, bị tai nạn khi đang đánh cá trên biển. Sau hai giờ lênh đênh, anh được tàu cá đưa vào bệnh viện ở Nghệ An cấp cứu. Khi đó, gia đình mới biết anh thuộc nhóm máu hiếm. Hàng trăm người đân ở Nghệ An đã đến để xét nghiệm nhóm máu nhưng không ai trùng nhóm máu. CLB người có nhóm máu hiếm kêu gọi hỗ trợ, hai phụ nữ có nhóm máu A Rh(D) âm đến hiến. Sau gần nửa ngày từ khi bị nạn, anh mới được truyền 2 đơn vị máu, đủ sức khỏe chuyển ra Bệnh viện Việt Đức ở Hà Nội để phẫu thuật, tại đây anh tiếp tục nhận được sự trợ giúp của CLB người có nhóm máu hiếm.

Đây là hai trường hợp điển hình trong hàng nghìn bệnh nhân mang máu hiếm được cứu sống nhờ truyền máu kịp thời. Hai bệnh nhân trên được chị Nguyễn Thị Hạnh, người mang nhóm máu hiếm, chia sẻ tại chương trình Gặp mặt người hiến máu nhóm máu hiếm, nhóm máu hòa hợp phenotype năm 2022, ngày 10/12. Dịp này, hơn 160 người tích cực tham gia hiến máu năm nay được tri ân.

TS. BS Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, cho biết ở Việt Nam, những người có nhóm máu Rh(D) âm (bao gồm nhóm O-, A-, B-, AB-) ước tính chiếm khoảng 0,1% dân số (trong 1.000 người mới có một người), nên được coi là nhóm máu hiếm. Trong khi đó, ở châu Âu, châu Mỹ, châu Úc... tỷ lệ người mang nhóm máu Rh(D) âm cao hơn nhiều, chiếm khoảng 15-40% dân số.

Người mang nhóm máu hiếm Rh(D) âm, như các nhóm máu khác, có cuộc sống sinh hoạt, học tập, lao động như tất cả người mang nhóm máu Rh(D) dương (trên 99% người Việt Nam). Tuy nhiên, các chuyên gia huyết học cho biết những người có nhóm máu hiếm Rh âm có khả năng gặp rủi ro cao hơn những người có nhóm máu khác. Khi họ cần truyền máu thì không phải lúc nào cũng có sẵn nhóm máu hiếm đó, nếu cơ sở tiếp nhận máu hoặc bệnh viện không dự trữ đầy đủ.

Những người có nhóm máu hiếm chỉ có thể truyền máu cho nhau, nếu truyền nhầm nhóm máu Rh dương sẽ xảy ra hiện tượng tan máu, gây sốc, suy thận, trụy tim mạch và tử vong.

2-1670659009-4046-1670671388.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=EvXMic8FS8raJNA9o8xUug

Những người có nhóm máu hiếm tích cực tham gia hiến máu được tri ân. Ảnh: Công Thắng

Hiện cả nước có nhiều Câu lạc bộ nhóm máu hiếm Rh(D) âm cùng hoạt động, từ miền Bắc, khu vực TP HCM, Đông Nam Bộ, miền Trung và nhiều tỉnh, thành phố khác.

Do tính chất và đặc điểm "hiếm có" ở nhóm máu của mình, những người này thường không tham gia hiến máu định kỳ mà bất kỳ khi nào nhận được điện thoại của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương là họ thu xếp công việc, thậm chí di chuyển xa đến hiến máu cho người bệnh.

Như chị Hạnh đã hiến tổng cộng 25 lần. "Giọt máu cho đi, cuộc đời ở lại. Tôi hy vọng những giọt máu của mình sẽ góp phần cứu sống những người bệnh đang ngày giờ phải vật lộn với nỗi đau bệnh tật", chị Hạnh nói.

2-6243-1670671388.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=qJsTVKz8yd01zPcsQPQB7g

Y bác sĩ của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, tham gia hiến máu. Ảnh: Công Thắng

Thông thường các bệnh viện sẽ gửi dự trù cần máu nhóm hiếm tới Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương hoặc các Trung tâm Truyền máu lớn. Nếu lượng dự trữ có thể đáp ứng đủ, Viện sẽ đảm bảo cung cấp kịp thời. Trong trường hợp nguồn chế phẩm máu nhóm hiếm không có sẵn, Viện sẽ liên hệ mời người hiến máu theo danh sách.

Chỉ tính riêng năm 2022, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã tiếp nhận dự trù gần 350 đơn vị chế phẩm máu nhóm hiếm. Lượng máu phù hợp dự trữ sẵn chỉ đáp ứng được khoảng 30%, 70% còn lại Viện huy động trực tiếp, khẩn cấp từ những người hiến máu.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022