Sáng 13/9, bé trai 6 tuổi, một trong 7 em nhỏ thoát khỏi vụ cháy chung cư mini, nằm điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, khóc vì không tìm thấy mẹ. Sau khi được giải cứu khỏi đám cháy, bé được đưa vào viện, không có người thân đi cùng.

Các bác sĩ cho biết sức khỏe bé ổn định nhưng tinh thần hoảng loạn, sợ hãi, không chịu ăn uống. Khi được cô giáo đến chăm sóc, gọi video với mẹ điều trị tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, cậu bé mới có thể nói chuyện trở lại.

Giám đốc Đào Xuân Cơ, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết hiện nơi này điều trị 24 bệnh nhân, gồm 7 bệnh nhi, còn lại là người lớn, tại ba khoa Cấp cứu A9, Nhi và Chống độc. 6 người trong tình trạng nặng, nguy kịch do ngạt khí.

"Tất cả được đưa đến trong tình trạng hoảng loạn, lo sợ, nhiều người thân trong cùng một gia đình nhưng cũng có trường hợp chỉ có một mình", bác sĩ nói.

Cũng suy sụp sau thảm họa cháy, người đàn ông 50 tuổi, đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông ngại giao tiếp, bần thần. Con trai anh, 10 tuổi, ngồi im một chỗ, không nói chuyện. Bác sĩ Đào Thiện Tiến, Giám đốc Bệnh viện, cho biết sức khỏe bệnh nhân tạm ổn, song vấn đề tinh thần của hai bố con vẫn nặng nề. Gia đình người đàn ông có 4 thành viên, vợ và con gái chưa xác định được tung tích, chưa loại trừ khả năng đã tử vong.

Không chỉ nạn nhân và gia đình, nhiều người tham gia cứu hộ, hàng xóm chứng kiến vụ việc cũng nói bản thân họ bị ám ảnh, sang chấn tâm lý.

A-nh-ma-n-hi-nh-2023-09-14-lu-6617-9742-1694682928.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=5ED7P1hluW2JiVwqM2OxVQ

Bệnh nhân nằm điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, ngày 14/9. Ảnh: Lê Nga

Bác sĩ Nguyễn Viết Chung, Khoa Tâm thần, Bệnh viện E, nói người trải qua những sự việc như thảm họa tự nhiên, tai nạn giao thông, đám cháy, bạo lực, vấn đề đe dọa đến tính mạng, mất đi người thân thường bị chấn thương tâm lý, căng thẳng cấp tính, còn gọi chứng PTSD.

Sang chấn tâm lý thường phát sinh ngay sau khi nạn nhân trải qua sự việc cận kề với cái chết, hay nhìn thấy những hình ảnh về tai nạn, hoả hoạn. Hội chứng này có thể kéo dài trong thời gian ngắn (một tuần, một tháng), cũng có thể dài hơn, thậm chí kéo dài cả đời, ở những mức độ khác nhau.

"Nếu tình trạng sang chấn tâm lý kéo dài sau sáu tháng rơi vào trầm cảm, rối loạn lo âu kéo dài cần phải có sự can thiệp của bác sĩ điều trị", ông Chung nói.

Cùng quan điểm, bác sĩ Lê Thị Thúy Hằng, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, cho biết vụ cháy chung cư mini hôm 12/9 là một thảm họa, có thể khiến các nạn nhân và gia đình gặp khủng hoảng tinh thần từ nhẹ đến nặng. Triệu chứng phổ biến nhất là mất ngủ, khó vào giấc, trằn trọc, ngủ không sâu giấc, dậy sớm, lo lắng quá mức, không thể tập trung, sợ đến nơi có đám cháy...

Trẻ nhỏ dễ có cảm xúc tiêu cực như hoảng loạn, căng thẳng, lo âu, buồn bã, chán nản, giận dữ. Nếu bất ổn về tâm lý kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng sa sút về học tập, tự đánh giá thấp bản thân, suy nghĩ tiêu cực, lạm dụng chất kích thích.

Đặc biệt, nhóm nạn nhân vừa chịu nỗi đau thể xác lẫn tinh thần, chấn thương tâm lý, dễ có ý định tự sát hoặc tự làm bản thân bị thương. Nhóm chứng kiến chịu sang chấn nhẹ hơn, đa số mất ngủ, ám ảnh trong thời gian ngắn.

a9908b54f08425da7c95-6878-1694-2827-2569-1694682928.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=d_D716wgnD2Ps0frz5xJBA

Người đàn ông ôm cháu nhỏ được quấn trong chăn mỏng chạy ra ngoài cáng cứu thương, miệng liên tục động viên "cố lên con", rạng sáng 13/9. Ảnh: Phạm Chiểu

Trên thế giới, những trường hợp bị ám ảnh tâm lý sau hỏa hoạn cũng xảy ra khá phổ biến, cả với các nạn nhân lẫn người làm công tác cứu hộ. Như thảm họa giẫm đạp ở phố Itaewon tháng 10/2022 khiến 59 người thiệt mạng, phần lớn là thanh niên trong độ tuổi 20-30, và hơn 190 người bị thương. Sau đó, nhiều người phải nhờ đến bác sĩ và chuyên gia tâm lý trị liệu.

Để vượt qua khủng hoảng sau hỏa hoạn, bác sĩ khuyến cáo tất cả nạn nhân cần được hỗ trợ về mặt tinh thần, bằng thuốc và trị liệu tâm lý.

Hầu hết cảm xúc tiêu cực sẽ dần tiêu tan sau vài ngày. Trong trường hợp xuất hiện các dấu hiệu như bùng nổ về cảm xúc (giận dữ, khóc lóc), khó ăn khó ngủ, mất hứng thú; các triệu chứng cơ thể (đau đầu, đau dạ dày, mệt mỏi); cảm giác tội lỗi và tuyệt vọng, lảng tránh gia đình bạn bè; lạm dụng rượu và các chất khác kéo dài từ 2 tuần trở lên, cần đi khám sức khỏe tâm thần.

Ngoài ra, mọi người nên tập thể dục, thiền và hít thở sâu nhằm giảm stress. Hạn chế tiếp xúc với cảnh tượng, âm thanh gợi nhớ hỏa hoạn, đặc biệt là từ tivi, radio hoặc báo chí, mạng xã hội. Không cô lập bản thân quá nhiều. Nên nghỉ ngơi đầy đủ và ăn uống cân bằng, khoa học.

Thùy An - Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022