Thông tin trên được TS.BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) cho biết tại Hội nghị khoa học "Hành trình 27 năm phòng ngừa RSV - Vai trò của kháng thể đơn dòng trong bảo vệ trẻ có nguy cơ cao khỏi RSV" do Hội Nhi khoa Việt Nam và AstraZeneca phối hợp tổ chức.

RSV là virus gây nhiễm trùng phổi, đường hô hấp ở mọi nhóm tuổi, hay gặp nhất ở trẻ. Virus RSV khi vào cơ thể qua đường mũi gây viêm niêm mạc mũi, tiết dịch mũi đặc dính làm bít tắc đường thở dẫn đến suy hô hấp. Virus có thể làm tổn thương phế nang, ứ khí, hoại tử tế bào đường hô hấp. Từ đó gây ra các biến chứng như viêm tai giữa cấp, viêm tiểu phế quản, viêm các đường dẫn khí nhỏ trong phổi, viêm phổi, suy hô hấp, thậm chí tử vong.

bs-tua-n-1745738440-1745738488-1358-1745739322.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=p2nEM8Xt8fk1MQ7th_x76Q

TS.BS Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Đồng 1 tại hội nghị. Ảnh: Mỹ Ý

Trên phạm vi toàn cầu, mỗi năm RSV gây ra hơn 33 triệu ca mắc mới với hơn 3 triệu ca nhập viện và gần 60.000 ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. 90% trẻ bị nhiễm RSV trong hai năm đầu đời và đây cũng là tác nhân gây ra hơn 80% trường hợp nhiễm trùng đường hô hấp dưới cấp tính ở trẻ nhỏ dưới một tuổi.

Trẻ sinh non có nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp dưới cấp tính do nhiễm RSV cao hơn đáng kể so với trẻ đủ tháng. Sinh non ở tuần thai càng thấp, nguy cơ nhập viện do RSV càng cao, kéo theo chi phí điều trị liên quan đến nhập viện cũng tăng lên.

Đối với trẻ dưới 24 tháng tuổi, trẻ bệnh tim bẩm sinh có rối loạn huyết động có nguy cơ nhập viện do nhiễm RSV cao gấp 2,7-5 lần, và trẻ bị loạn sản phế quản phổi có nguy cơ nhập viện do nhiễm RSV cao gấp 12,8-20 lần. Những con số này phản ánh nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe trẻ em, tạo áp lực không nhỏ lên hệ thống y tế.

Trẻ nhập viện do RSV gây ra sự khủng hoảng đáng kể cho những người chăm sóc trong thời gian nằm viện và thời gian phục hồi sau khi xuất viện. Nghiên cứu dựa trên báo cáo từ người chăm sóc, với mỗi ca nhập viện do RSV, cho thấy họ mất năng suất lao động, giảm chất lượng cuộc sống và tăng lo âu, căng thẳng hoặc stress nặng.

Hiện không có phương pháp điều trị cụ thể nào cho RSV, người bệnh thường được điều trị hỗ trợ, nâng cao thể trạng.

Screenshot-2025-04-27-at-13-22-1514-5291-1745739322.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=1qlLuTXVOasVK8equBRIHA

Virus RSV chưa có thuốc đặc hiệu, các biện pháp chủ yếu điều trị triệu chứng. Ảnh: Science Photo Library

Các chuyên gia khuyến cáo nâng cao dự phòng miễn dịch để giảm tác động của RSV đến sức khỏe trẻ. Hiện vẫn chưa có vaccine để phòng ngừa RSV trên trẻ. Các hiệp hội nhi khoa uy tín thế giới khuyến cáo sử dụng kháng thể đơn dòng giúp ngăn chặn quá trình hòa màng và ức chế sự sao chép RSV, từ đó giảm sự nhân lên của virus, ngăn chặn sự lây lan RSV trên các bệnh nhi.

Giải pháp dự phòng này được khuyến cáo triển khai trên nhóm trẻ sinh non dưới 6 tháng tuổi và trẻ dưới 2 tuổi có bệnh nền tim bẩm sinh, bệnh phổi mạn tính khi bắt đầu hoặc đang trong mùa dịch RSV. Theo các báo cáo lâm sàng, hiệu quả phòng bệnh đạt được nhanh chóng và ổn định, không cần chờ thời gian tạo miễn dịch tự nhiên.

Khi trẻ mắc bệnh, phụ huynh chú ý theo dõi nhiệt độ cơ thể để có biện pháp hạ sốt phù hợp. Uống đủ nước giúp đề phòng mất nước, loãng dịch đờm, giảm bít tắc đường hô hấp. Trẻ có thể uống nước lọc ấm, nước ép trái cây, nước canh, sữa; tăng cữ bú nếu trẻ nhỏ còn bú mẹ. Ưu tiên đồ ăn lỏng, dễ tiêu như cháo, súp... và chia làm nhiều bữa trong ngày để đảm bảo năng lượng cần thiết cho trẻ.

Nếu trẻ có các biểu hiện mệt lả, li bì; sốt cao, co giật, tím tái, bỏ bú, kém ăn, thở nhanh, rút lõm lồng ngực, cha mẹ cần đưa con nhập viện ngay.

Sống lành mạnh là cách phòng ngừa lây nhiễm bệnh chủ động. Nên thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc dung dịch nước sát khuẩn trong ít nhất 20 giây trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, ho, hắt hơi, xì mũi, trở về từ nơi công cộng.

Tránh sờ tay lên mặt, mắt, mũi, miệng khi chưa rửa sạch. Thường xuyên sử dụng khăn giấy để che miệng khi ho hoặc hắt hơi. Tránh tiếp xúc gần gũi như hôn, bắt tay, dùng chung cốc và dụng cụ ăn uống... với người khác nếu bản thân hoặc người đó đang có dấu hiệu mắc bệnh. Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, lau chùi các bề mặt dùng chung như tay vịn cầu thang, tay nắm cửa bằng dung dịch cồn sát khuẩn.

Trời lạnh cần giữ ấm cơ thể. Đeo khẩu trang khi ra ngoài, tránh xa khói thuốc lá, hạn chế đưa trẻ nhỏ tới nơi đông người vào mùa dịch. Ngoài vệ sinh mũi họng hàng ngày, mỗi người cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng.

Mỹ Ý

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022