Đặc điểm chung của những người trẻ mắc ung thư
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Duy Anh, nguyên bác sĩ Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân – Bệnh viện Bạch Mai, bác sĩ Trung tâm Ung bướu, Xạ trị và Y học hạt nhân Quốc tế (Bệnh viện Đa khoa Phương Đông) cho biết, trong quá trình thăm khám bệnh nhân, bác sĩ đã gặp một số bệnh nhân phát hiện mắc ung thư ở độ tuổi rất trẻ. Tuy nhiên, họ đều đến khám khi bệnh đã tiến triển ở giai đoạn muộn.
Qua khai thác tiền sử của các trường hợp người trẻ mắc ung thư, bác sĩ Duy Anh nhận thấy họ đều có 1 điểm chung là chủ quan, chần chừ đi khám. Những bệnh nhân này đều ôm tâm lý “mình còn trẻ, chắc không sao”, khiến việc chẩn đoán ung thư bị chậm trễ.
“Đây là một rào cản rất lớn trong việc phát hiện sớm ung thư ở người trẻ. Với tâm lý này, người trẻ thường có xu hướng bỏ qua các triệu chứng, cho rằng đó là do căng thẳng, thiếu ngủ hoặc do các bệnh thông thường khác…”, bác sĩ Duy Anh nói.
Một số trường hợp bệnh nhân trẻ tuổi mắc ung thư ở giai đoạn muộn cho biết họ chần chừ đi khám do ngại đến bệnh viện, sợ phát hiện ra bệnh nghiêm trọng.
Theo bác sĩ Duy Anh, có nhiều bệnh nhân khi có triệu chứng ung thư nhưng tự ý điều trị tại nhà. Họ sử dụng các biện pháp dân gian hoặc thuốc không kê đơn thay vì đến bệnh viện tìm chuyên gia để nhận tư vấn y tế chuyên nghiệp. Điều này gây chậm trễ cho việc chẩn đoán bệnh, hậu quả là bệnh có thể tiến triển đến giai đoạn muộn, khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn, tốn kém hơn và có tỷ lệ điều trị thành công thấp hơn.

Bác sĩ Duy Anh đang tư vấn cho bệnh nhân.
Các triệu chứng ung thư dễ bị bỏ qua ở người trẻ
Theo quan sát của bác sĩ Duy Anh, các triệu chứng thường gặp nhưng dễ bị người trẻ bỏ qua gồm:
- Mệt mỏi kéo dài không rõ nguyên nhân: Ai cũng có thể cảm thấy mệt mỏi sau một ngày dài làm việc hoặc thiếu ngủ. Tuy nhiên, mệt mỏi dai dẳng, không cải thiện dù đã nghỉ ngơi đầy đủ, thậm chí còn tăng dần, có thể là dấu hiệu sớm của nhiều loại ung thư, đặc biệt là ung thư máu (bệnh bạch cầu, u lympho) hoặc các loại ung thư ở giai đoạn muộn.
Thức dậy buổi sáng mà thấy 5 triệu chứng này thì hãy cẩn thận với ung thư ruột
- Sút cân không chủ ý: Giảm cân đột ngột mà không hề thay đổi chế độ ăn uống hay tập luyện là dấu hiệu đáng lo ngại. Đây có thể là triệu chứng của nhiều loại ung thư, bao gồm ung thư dạ dày, thực quản, phổi, tuyến tụy và các ung thư hệ tạo máu.
- Thay đổi thói quen đại tiện hoặc tiểu tiện kéo dài: Táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài không rõ nguyên nhân, có máu trong phân, thay đổi hình dạng phân (dẹt, nhỏ hơn bình thường) có thể là dấu hiệu của ung thư đại trực tràng. Tiểu khó, tiểu buốt, tiểu ra máu, tiểu nhiều lần vào ban đêm có thể liên quan đến ung thư bàng quang hoặc tuyến tiền liệt.
- Sờ thấy cục u hoặc sưng hạch bất thường: Khối u hoặc sưng hạch xuất hiện ở vú, tinh hoàn, cổ, nách, bẹn mà không biến mất sau vài tuần có thể là dấu hiệu của ung thư vú, ung thư tinh hoàn, u lympho hoặc các loại ung thư khác.
- Đau dai dẳng không rõ nguyên nhân: Đau kéo dài ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể mà không liên quan đến chấn thương hoặc vận động quá sức cũng cần được lưu ý. Đau xương dai dẳng có thể là dấu hiệu của ung thư xương hoặc ung thư di căn xương.
- Ho dai dẳng hoặc khàn tiếng kéo dài: Ho kéo dài không dứt, ho ra máu, khàn tiếng kéo dài không cải thiện có thể là dấu hiệu của ung thư phổi hoặc ung thư thanh quản.
- Thay đổi trên da hoặc nốt ruồi: Xuất hiện nốt ruồi mới, nốt ruồi cũ thay đổi kích thước, hình dạng, màu sắc hoặc loét da lâu lành có thể là dấu hiệu của ung thư da (melanoma).
- Khó nuốt hoặc ợ nóng kéo dài: Cảm giác khó nuốt, nghẹn ở cổ, ợ nóng thường xuyên không giảm có thể là dấu hiệu của ung thư thực quản hoặc dạ dày.
- Chảy máu bất thường: Chảy máu âm đạo bất thường ngoài chu kỳ kinh nguyệt, chảy máu cam thường xuyên không rõ nguyên nhân, chảy máu chân răng không rõ nguyên nhân đều cần được kiểm tra.
Bác sĩ Duy Anh khuyến cáo khi có một trong các dấu hiệu bất thường kể trên, mọi người cần đi khám sớm để loại trừ nguy cơ mắc ung thư.