
GĐXH - Người phụ nữ có triệu chứng đau bụng vùng hạ vị nhưng do chủ quan không đi khám. Đến khi bụng ngày một to ra, kèm dấu hiệu mệt mỏi, đau chướng bụng nhiều hơn... mới đến viện thì phát hiện ung thư buồng trứng.
Theo thông tin từ PKĐK Medlatec, vừa qua các bác sĩ nơi đây đã tiếp nhận bệnh nhân là cô L.T.L (63 tuổi, TP. HCM) đến khám trong tình trạng chướng bụng, ăn chậm tiêu, đi tiểu ít, mặc dù đại tiện bình thường. Ngoài ra, cô L có xuất hiện cơn chóng mặt thoáng qua, kèm theo đau vùng gáy lan lên vai phải.
Qua thăm khám và dựa vào tiền sử nhân giáp đã lành tính (FNA), BS.CKI Bùi Thị Cẩm Bình - Chuyên khoa Nội đã tư vấn, đề nghị cô L. khám sức khỏe tổng quát gồm: Xét nghiệm thường quy và các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh cần thiết.

Ảnh minh họa
Kết quả cho thấy: Siêu âm ổ bụng tràn dịch ổ bụng lượng nhiều; siêu âm tuyến giáp ghi nhận phình giáp đa nhân hai thùy; MSCT ngực độ thấp ghi nhận ngoài tràn dịch ổ bụng lượng nhiều còn thâm nhiễm mạc nối lớn và mạc treo ruột non.
Trước những bất thường đó, BS.CKI Bùi Thị Cẩm Bình kết nối hội chẩn trực tuyến các bác sĩ Sản khoa, Ngoại khoa, Chẩn đoán hình ảnh. Sau hội chẩn, bệnh nhân được bác sĩ Bình bổ sung chỉ định xét nghiệm chỉ số ung thư CA 125, HE4 và đều cho kết quả tăng rất cao.
Ngay lập tức bác sĩ Bình hội chuẩn chuyên khoa Sản phụ khoa. Bệnh nhân được siêu âm đầu dò âm đạo, kết quả ghi nhận theo dõi u buồng trứng trái, thâm nhiễm cấu trúc tai vòi cùng bên và cùng đồ sau.
Sau đó, bệnh nhân được hỗ trợ thủ tục chuyển viện lên tuyến trên khám, chẩn đoán điều trị chuyên khoa. Kết quả chẩn đoán cuối cùng là ung thư buồng trứng di căn.
Ung thư buồng trứng là gì?
Ung thư buồng trứng là tình trạng hình thành các khối u ác tính ở một hoặc cả hai buồng trứng, do sự phát triển bất thường của các tế bào bên trong. Nếu không điều trị kịp thời, tế bào ung thư sẽ xâm lấn các mô và cơ quan xung quanh, làm mất chức năng sản xuất nội tiết tố, sản xuất tế bào trứng, mang thai của buồng trứng.
Ở giai đoạn nặng, tế bào ung thư di căn qua đường máu hoặc đường bạch huyết tới nhiều cơ quan khác của cơ thể và hình thành khối u mới.

Ảnh minh họa
Ung thư buồng trứng được ví như “kẻ giết người thầm lặng” ở phụ nữ, vì thường không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Đa số bệnh nhân chỉ phát hiện khi bệnh đã di căn, làm giảm đáng kể hiệu quả điều trị.
“Trường hợp của bệnh nhân L đến khám xác định có tràn dịch màng bụng, nhiều khả năng là giai đoạn muộn của ung thư buồng trứng. Vì vậy, để giảm thiểu chi phí và nâng cao hiệu quả chữa trị, phụ nữ nên đi khám phụ khoa và siêu âm bụng định kỳ”, bác sĩ Bình lưu ý.
Ai có nguy cơ bị ung thư buồng trứng?
Theo các bác sĩ chuyên khoa Sản phụ khoa, tất cả phụ nữ, đặc biệt là người trên 50 tuổi hoặc đã mãn kinh, cần được khám phụ khoa và siêu âm định kỳ để phát hiện sớm các bất thường như u buồng trứng, u xơ tử cung hoặc ung thư cổ tử cung.
Hoặc chị em cần đi khám ngay nếu xuất hiện một trong các dấu hiệu dưới đây:
- Cảm giác khó chịu, đau vùng bụng dưới;
- Rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, tiêu chảy hay táo bón;
- Thường xuyên đi tiểu do tăng áp lực đè ép vào bàng quang;
- Ăn kém, cảm giác đầy bụng kể cả sau một bữa ăn nhẹ;
- Tăng hoặc giảm cân không rõ nguyên nhân;
- Chảy máu âm đạo bất thường sau mãn kinh, thay đổi bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt; - - Đau khi quan hệ tình dục.

GĐXH - Người phụ nữ Tuyên Quang phát hiện ung thư buồng trứng có dấu hiệu phổ biến ở nhiều chị em như: Bụng chướng, tiểu rắt, tiểu buốt, đại tiện phân lỏng...