Thông tin từ Bệnh viện Việt Đức cho biết, tại đây vừa tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân gặp họa do tự đắp lá chữa trật khớp gối.

Theo đó, bệnh nhân là nam (54 tuổi ở Điện Biên). Khai thác bệnh sử được biết, bệnh nhân bị tai nạn giao thông dẫn đến trật khớp gối. Thấy vậy, bệnh nhân tự đắp lá theo kinh nghiệm dân gian.

2 ngày sau, cẳng chân bệnh nhân bị sưng nề, tê bì tăng dần, mất vận động. Lúc này, bệnh nhân đến khám tại bệnh viện tỉnh nhưng do hoại tử nhiễm trùng nặng, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

BS Nguyễn Tiến Ngọc – Khoa Phẫu thuật Chi dưới, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Vì đến viện quá muộn (trật gối tổn thương mạch giờ thứ 72), cơ cẳng bàn chân đã bị hoại tử, giải phóng chất độc vào máu, ảnh hưởng chức năng gan, thận.

base64-1733374073682359407964.jpeg

Bệnh nhân đang được điều trị tại bệnh viện. Ảnh: BVCC.

Các bác sĩ hội chẩn không còn khả năng bảo tồn chi và quyết định cắt cụt 1/3 dưới đùi cho bệnh nhân. Ngày thứ 3 sau mổ, tình trạng bệnh nhân ổn định, không có dầu hiệu nhiễm trùng tại chỗ hay toàn thân, xét nghiệm máu đánh giá chức năng gan thận về bình thường.

Hiện bệnh nhân tiếp tục được theo dõi, tập phục hồi chức năng khớp háng và phần mỏm cụt đùi còn lại.

Theo các bác sĩ, trật khớp gối là hiện tượng diện khớp mâm chày và lồi cầu xương đùi bị lệch khỏi vị trí ban đầu và không còn tiếp xúc nhau. Trật gối có thể được gây ra bởi các chấn thương tiếp xúc mạnh vào vùng đầu gối như tai nạn giao thông, tai nạn lao động, chấn thương thể thao.

Khi có chấn thương gãy xương, trật khớp ở vùng khớp gối khả năng tổn thương mạch máu lên tới 50%. Nếu tổn thương mạch máu không được xử lý trước thời gian 6 giờ thì nhiều khả năng dẫn đến cắt cụt chi do thiếu máu không hồi phục. Vì vậy, người bệnh cần được xử lý và điều trị càng sớm càng tốt.

Không tự ý đắp lá vào vết thương

Thời gian qua, dù đã có nhiều khuyến cáo về hệ lụy của việc đắp các loại lá cây, lá thuốc vào vị trí vết thương, tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp gặp họa do thói quen chữa bệnh này.

Ngay tháng 8/2024, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Khu vực Tây Bắc Nghệ An cho biết, thời gian gần đây, số ca nhập viện do bệnh nhân tự ý dùng các loại thuốc lá dân gian chữa bệnh tăng lên đáng kể.

thuoc-lao-tac-dung-tac-hai-va-bai-thuoc-tu-cay-4-800x450-1-1733374317920-17333743186241641588529.jpg

Các chuyên gia khuyến cáo, không nên tự ý đắp lá vào vết thương. Ảnh minh họa.

Điển hình như trường hợp của bệnh nhân V.V.H (15 tuổi, huyện Quỳ Châu) được đưa đến viện trong tình trạng gãy di lệch 1/3 trên hai xương cẳng tay phải ngày thứ 15 trong tình trạng nhiễm trùng, do trước đó tự điều trị bằng cách đắp thuốc lá không rõ nguồn gốc. Sau khi tự đắp lá thuốc lên vết thương chỗ gãy xương, tay của bệnh nhân sưng đỏ, đau nhiều, mưng mủ đục... lúc đó, bệnh nhân mới đến viện để kiểm tra.

Trước đó, các bác sĩ Khoa Cấp cứu, Bệnh viện E cũng tiếp nhận và điều trị cho một người bệnh (nam, 17 tuổi, ở Hà Nội) nhập viện trong tình trạng trên cánh tay và bàn tay xuất hiện nhiều vết thương do tai nạn sinh hoạt. Đặc biệt, sau khi bị thương, người bệnh đã được người nhà nhai lá cây đắp vào tổn thương theo kinh nghiệm dân gian.

Tuy nhiên sau khi đắp lá, vết thương không những không thuyên giảm mà còn tiến triển nặng hơn. Vết thương chảy mủ, sưng nề, tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử, cơ co cứng, khó vận động… 

Theo ThS.BS Nguyễn Phú Tiến, Khoa Phẫu thuật Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện E, chỉ vì sai lầm và thiếu hiểu biết trong việc xử lý các vết thương tại nhà bằng phương pháp dân gian, không kiểm chứng khoa học như đắp các loại thuốc lá vào vị trí vết thương, có thể làm các tổn thương diễn biến nặng và trở nên phức tạp hơn rất nhiều.

Đáng chú ý đã có trường hợp tổn thương gân, mạch máu, thần kinh bị bỏ sót gây ảnh hưởng đến chức năng vận động của người bệnh.

Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, người bệnh khi gặp những tai nạn gây vết thương chảy máu nên tìm khăn, vải hoặc quần áo sạch băng bó vết thương và nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để lại những hậu quả đáng tiếc.

Tránh dùng những vật liệu bẩn (lá cây, thuốc lào, cát…) đắp vào vết thương dễ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng do có dị vật bẩn trong vết thương, thậm chí dẫn đến việc phải cắt cụt chi và đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng của người bệnh.

webz601067353990598faf4d5-1733301164200-17333011652311505603088-0-14-441-720-crop-1733301760881546658670.jpgNgười phụ nữ 38 tuổi sốc nhiễm khuẩn, nhiễm trùng huyết nặng vì chủ quan khi sốt virus

GĐXH – Theo các bác sĩ, ban đầu người bệnh bị sốt virus nhưng không được điều trị kịp thời nên đã gây ra tình trạng bội nhiễm và ảnh hưởng đến rất nhiều cơ quan trong cơ thể.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022