Đây là kết quả theo một nghiên cứu trên gần 100.000 người trưởng thành Trung Quốc.
Theo nghiên cứu được công bố hôm 20/12 trên tạp chí Diabetologia, những người sống ở các khu vực của Trung Quốc có mức độ ô nhiễm ánh sáng cao vào ban đêm có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn khoảng 28% so với những người sống ở những khu vực ít ô nhiễm nhất.
Hơn 9 triệu trường hợp mắc bệnh tiểu đường ở người từ 18 tuổi trở lên tại Trung Quốc có thể là do ô nhiễm ánh sáng ngoài trời vào ban đêm, các tác giả cho biết thêm, con số này có thể sẽ tăng lên khi nhiều người chuyển đến các thành phố.
Tuy nhiên, việc thiếu bóng tối ảnh hưởng nhiều hơn đến các khu vực đô thị. Nhóm nghiên cứu cho biết, ô nhiễm ánh sáng đô thị phổ biến đến mức nó có thể ảnh hưởng đến các vùng ngoại ô và công viên, rừng cách xa nguồn sáng hàng chục, thậm chí hàng trăm dặm.
Tiến sĩ Phyllis Zee, Giám đốc Trung tâm Y học Sinh học và Giấc ngủ tại Trường Y khoa Feinberg thuộc Đại học Tây Bắc ở Chicago, cho biết: "Nghiên cứu này xác nhận kết quả nghiên cứu trước đây về tác động bất lợi tiềm ẩn của ánh sáng vào ban đêm đối với chức năng trao đổi chất và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường".
Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra mối liên hệ và tác động giữa ánh sáng nhân tạo vào ban đêm với tăng cân và béo phì, rối loạn chức năng trao đổi chất, tiết insulin và sự phát triển của bệnh tiểu đường cũng như các yếu tố nguy cơ tim mạch.
(Ảnh: Getty)
Một nghiên cứu được công bố vào đầu năm nay bởi Zee và các cộng sự đã xem xét vai trò của ánh sáng trong giấc ngủ đối với những người trưởng thành khỏe mạnh ở độ tuổi 20. Chỉ ngủ một đêm với ánh sáng lờ mờ, chẳng hạn như ti vi tắt âm thanh, đã làm tăng lượng đường trong máu và nhịp tim của những người trẻ tuổi trong quá trình nghiên cứu về giấc ngủ.
Nhịp tim tăng cao vào ban đêm, đã được chứng minh trong các nghiên cứu trước đây, là yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim trong tương lai và tử vong sớm, trong khi lượng đường trong máu cao hơn là dấu hiệu của tình trạng kháng insulin, cuối cùng có thể dẫn đến bệnh tiểu đường tuýp 2.
Tiến sĩ Gareth Nye, giảng viên cao cấp về sinh lý học tại Đại học Chester, Vương quốc Anh cho biết: "Giấc ngủ lành mạnh cực kỳ quan trọng trong việc ngăn ngừa sự phát triển của bệnh tiểu đường. Các nghiên cứu đã gợi ý rằng các kiểu ngủ không nhất quán có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2".
Nghiên cứu mới đã sử dụng dữ liệu từ Nghiên cứu giám sát bệnh không truyền nhiễm ở Trung Quốc năm 2010, trong đó hỏi các mẫu đại diện của dân số Trung Quốc về nhân khẩu học xã hội, các yếu tố lối sống và lịch sử y tế và sức khỏe gia đình. Các mẫu máu được thu thập và so sánh với hình ảnh vệ tinh về mức độ ánh sáng trong khu vực của Trung Quốc nơi mỗi người sinh sống.
Phân tích cho thấy, việc tiếp xúc lâu dài với ô nhiễm ánh sáng vào ban đêm làm tăng lượng đường trong máu, dẫn đến nguy cơ kháng insulin và tiểu đường cao hơn.
Tuy nhiên, bất kỳ mối liên hệ trực tiếp nào giữa bệnh tiểu đường và ô nhiễm ánh sáng ban đêm vẫn chưa rõ ràng, bởi vì bản thân cuộc sống ở khu vực đô thị đã là một yếu tố góp phần vào sự phát triển của bệnh tiểu đường, tiến sĩ Nye giải thích.