Các buổi ăn uống, tụ tập cuối năm thường dễ khiến nhiều người uống rượu quá mức, gây chếnh choáng và nôn nao vào ngày hôm sau. Tình trạng này xảy ra vì nhiều lý do.
Rượu ức chế vasopressin, một loại hormone làm thận giữ nước, khiến bạn đi tiểu nhiều, mất nước, đau đầu dữ dội, khát và mệt mỏi. Rượu cũng có thể làm kích ứng niêm mạc dạ dày, gây buồn nôn và đau dạ dày, đồng thời làm gián đoạn giấc ngủ, dẫn đến mệt mỏi, cáu kỉnh.
Một số người dễ say hơn những người khác, tùy thuộc vào cách cơ thể chuyển hóa rượu. Khi uống rượu, các enzym trong gan phân hủy rượu thành acetaldehyde - một sản phẩm phụ độc hại, có thể gây ung thư. Một số bằng chứng chỉ ra rằng acetaldehyde có thể là thủ phạm gây tình trạng nôn nao.
Nghiên cứu cho thấy người mang biến thể di truyền làm chậm khả năng loại bỏ acetaldehyde khỏi máu đặc biệt dễ say xỉn nghiêm trọng, ngay cả sau khi uống một lượng rượu tương đối nhỏ. Biến thể di truyền này đặc biệt phổ biến ở người gốc Á.
Thuốc giải rượu trên thị trường tác dụng giảm cảm giác nôn nao bằng cách loại bỏ acetaldehyde khỏi cơ thể. Tuy nhiên, nghiên cứu năm 2021 đánh giá 82 loại thuốc giải rượu bán trên thị trường, cho thấy chúng không có bất kỳ hiệu quả nào và thường chứa hàm lượng vitamin quá cao. Nhiều loại có N-acetylcysteine, thuốc chỉ được bán theo đơn.
Mức độ chếnh choáng phụ thuộc vào mức tăng nồng độ cồn trong máu khi uống rượu. Nghiên cứu phát hiện cơ thể phân hủy rượu càng nhanh, tình trạng nôn nao càng nghiêm trọng.
Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất để tránh nôn nao là không uống rượu khi bụng đói. Julia Zumpano, chuyên gia dinh dưỡng của Phòng khám Cleveland, khuyến nghị ăn bữa chính hoặc bữa nhẹ nếu định uống rượu. Điều này có thể làm chậm tốc độ rượu đi vào máu, làm giảm tỷ lệ say rượu.
Nghiên cứu đăng tải trên Tạp chí Dược lâm sàng của Anh cho thấy ăn trước khi uống rượu làm giảm nồng độ cồn trong máu rõ rệt, đồng thời giúp tăng tốc độ đào thải rượu ra khỏi máu. Các nhà khoa học phát hiện các bữa ăn giàu protein có thể tạo ra nồng độ cồn trong máu thấp hơn so với các bữa ăn nhiều chất béo hoặc carbs.
Tình trạng choáng váng xảy ra sau khi uống rượu là do hormone vasopressin khiến thận tích nước. Ảnh: Freepik
Những người dễ say cần tránh rượu sẫm màu, bởi chúng có chứa nhiều congener - một sản phẩm phụ của quá trình lên men có thể làm tình trạng nôn nao trở nên tồi tệ hơn. Một số nghiên cứu cho thấy các triệu chứng nôn nao tăng lên khi mọi người tiêu thụ loại đồ uống có nồng độ congener cao. Ví dụ, rượu bourbon sẽ gây chếnh choáng lâu dài hơn vodka - loại rượu không chứa congener.
Sau mỗi ly rượu, bạn có thể uống một cốc nước, giúp giữ nồng độ cồn trong máu không tăng quá nhanh và tránh gây mất nước. Tiến sĩ Zumpano nói rượu là một loại thức uống lợi tiểu, khiến cơ thể mất nước một cách tự nhiên.
Sau một đêm uống quá nhiều rượu và tỉnh dậy trong tình trạng choáng váng, các chuyên gia khuyến nghị bạn thử chế độ ăn BRAT, gồm chuối, gạo, sốt táo và bánh mì nướng. Thực đơn này ban đầu được thiết kế dành cho trẻ em bị đau bụng, song cũng rất hiệu quả với người nôn nao sau uống rượu. Nếu cảm thấy buồn nôn vào buổi sáng, bạn nên ăn các món nhạt thay vì một bữa quá no.
"Chế độ ăn BRAT rất dễ tiêu hóa, giúp kiểm soát lượng thức ăn. Các món chứa dầu mỡ vốn khó tiêu, ở lại lâu trong dạ dày và gây ra cảm giác tồi tệ", tiến sĩ Zumpano nói.
Nhiều nghiên cứu cho thấy gừng làm giảm cảm giác buồn nôn, nôn nao đối với phụ nữ mang thai, người say tàu xe và các tình trạng khác. Bạn có thể thêm gừng tươi vào thức uống hoặc mua các thực phẩm có bổ sung dừng. Tuy nhiên, phương pháp giải rượu tốt nhất là uống trà gừng hoặc nhai sống gừng. Công thức pha trà gừng gồm vài lát gừng tươi đập dập, đun với nước sôi rồi để lửa nhỏ trong vài phút, sau đó đổ vào cốc, thêm một thìa cà phê mật ong hoặc một lát chanh.
Sau uống rượu, cơ thể bài tiết các chất điện giải như natri, kali, magiê và phốt phát, dẫn đến cảm giác chếnh choáng. Bạn bổ sung các chất này bằng thực phẩm giàu khoáng chất như trái cây và rau quả. Dưa hấu, dưa đỏ, đào và cam đặc biệt phù hợp để giải rượu vì chúng cung cấp một lượng chất điện giải lành mạnh.
Thục Linh (Theo Washington Post)