Tuổi nào cũng có thể bị bệnh quai bị, khả năng mắc bệnh ở nam cao hơn nữ. Nói chung, bệnh quai bị có diễn biến lành tính, các triệu chứng thoái lui trong vòng khoảng 10 ngày và không để lại di chứng gì. Nhưng đối với bệnh nhân lớn tuổi thường cường độ các triệu chứng toàn thân (sốt, đau đầu…) tăng hơn, các biến chứng hay gặp hơn và thường có thể để lại hậu quả xấu. Tỷ lệ tử vong do quai bị rất thấp (1/10000 trường hợp mắc) nhưng khả năng ảnh hưởng đến sinh sản là hoàn toàn có thể gặp.
Mới đây, ThS. BS Phan Chí Thành, Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến, BV Phụ sản TƯ, chia sẻ trường hợp vô sinh của một cặp đôi mà nguyên nhân hóa ra bắt nguồn từ cả chục năm trước trước đó.
ThS. BS Phan Chí Thành khám cho bệnh nhân.
Nam thanh niên 25 tuổi, đến khám vô sinh hiếm muộn vì lập gia đình được 2 năm, "quan hệ" đều đặn nhưng chưa có con. Qua khai thác bệnh sử, BS Thành biết được năm 17 tuổi, nam thanh niên bị quai bị, sưng đau xuống tinh hoàn. Tại bệnh viện tỉnh, các bác sĩ đã điều trị giảm đau, kháng viêm cho bệnh nhân. Tình trạng sưng đau tinh hoàn dịu đi khá nhanh, mấy hôm sau bệnh nhân được ra viện. Nghĩ đơn thuần là bệnh đã khỏi hoàn toàn, không để lại di chứng gì nên bệnh nhân cũng không để ý nhiều.
Tuy nhiên, đến hiện tại, khi khám lại, BS Thành phát hiện toàn bộ 2 tinh hoàn của bệnh nhân đã teo nhỏ, tiến hành xét nghiệm thì không còn tinh trùng trong tinh dịch. "Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng vô sinh của đôi bạn trẻ, do tinh hoàn của người chồng không còn sản sinh được tinh trùng sau khi bị viêm do quai bị. Đối với trường hợp này, rất có thể bệnh nhân sẽ phải xin tinh trùng của người khác", BS Thành chia sẻ.
BS Thành cho biết thêm, đây là câu chuyện khá buồn về trường hợp người trưởng thành gặp vấn đề về sinh sản do mắc quai bị, nhưng cũng không phải là hiếm gặp. Nguy cơ quai bị gây tổn thương tinh hoàn ở người trưởng thành khá cao, chiếm 20-30%, có thể gây tổn thương ở một hoặc cả hai bên tinh hoàn. Và hậu quả thường rất nghiêm trọng, có thể gây tổn thương tinh hoàn vĩnh viễn, làm mất khả năng sinh tinh của tinh hoàn.
Phòng ngừa vô sinh do mắc quai bị
Theo BS Thành, đối với các bạn nam trẻ, để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, các bạn cần tiến hành kiểm tra mình đã tiêm vắc-xin quai bị hay chưa, cũng như mũi tiêm trước đó còn tác dụng hay không. Có thể tiến hành kiểm tra bằng cách xét nghiệm máu xem có kháng thể hay chưa. Nếu chưa có thì cần tiêm vắc-xin.
"Quai bị là bệnh có thể phòng ngừa được và hầu hết ngày bé ai cũng đã được tiêm vắc-xin phòng bệnh. Việc nhiều người trưởng thành mắc quai bị một phần là do bản thân không biết mình đã được tiêm vắc-xin chưa, một phần là do nhiều người chủ quan không tiêm mũi nhắc lại", BS Thành nói.
Nếu không may mắc quai bị, việc tuân thủ điều trị nghiêm ngặt là vô cùng quan trọng. BS Thành cho biết, khi người bệnh phát hiện mình đã mắc quai bị, cần được điều trị triệt để, hạn chế hậu quả đáng tiếc xảy ra như tổn thương tinh hoàn, tinh trùng...
Trường hợp phát hiện bản thân mắc quai bị, cần đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra, điều trị kịp thời.
"Một vấn đề nữa là, bệnh nhân có tổn thương tinh hoàn do quai bị cần được tư vấn bảo tồn khả năng sinh sản. Cần lưu trữ bảo quản tinh trùng càng sớm càng tốt để có thể lưu trữ những tinh trùng còn lại trước khi tinh hoàn bị thoái hóa viêm teo do quai bị. Sau này các bác sĩ hỗ trợ sinh sản có thể sử dụng tinh trùng này để tăng cơ hội có con cho bệnh nhân bằng chính nguồn gen của mình", BS Thành cho hay.
Bệnh quai bị là do một loại virus quai bị (còn gọi là Mumps virus) gây ra, đây là loại virus thuộc họ Paramyxoviridae, chúng có thể tồn tại khá lâu ở bên ngoài cơ thể người. Tức là chúng có thể tồn tại từ 30 đến 60 ngày nếu ở nhiệt độ 15 - 200 độ C và sẽ bị tiêu diệt nhanh chóng ở nhiệt độ trên 560 độ C hoặc dưới tác động của hóa chất diệt khuẩn.
Bệnh quai bị lây truyền qua đường nào?
Quai bị là căn bệnh lây qua đường hô hấp và dễ lây nhất vào thời điểm là 2 ngày trước khi xuất hiện triệu chứng của bệnh hoặc 6 ngày sau khi các triệu chứng biến mất.
Lây qua hô hấp tức là thông qua nước bọt hoặc dịch tiết mũi họng chứa virus khi người bị bệnh hắt hơi, nói chuyện, ho, khạc nhổ,…
Triệu chứng của bệnh quai bị
Khi bị bệnh quai bị bạn sẽ cảm thấy mình có những triệu chứng như: sốt cao đột ngột, chán ăn, đau đầu, mệt mỏi, đau mỏi và nhức toàn thân, có thể đau bìu và sưng tinh hoàn với nam.
Sau khi sốt 1 đến 3 ngày tuyến nước bọt sẽ đau nhức, sưng to lên ở một hoặc hai bên quai hàm khiến cho mặt bị biến dạng. Khi bị sưng hàm sẽ rất khó khăn khi nhai, nuốt đồ ăn. Đây được xem là dấu hiệu đặc trưng của bệnh quai bị.