Mục tiêu được Bộ Y tế đưa vào Kế hoạch thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số y tế thực hiện Chương trình chuyển đối số quốc gia. Theo đó, từ năm 2023 đến 2025, 100% cơ sở y tế hạng I trở lên thực hiện khám chữa bệnh không giấy, trong đó hồ sơ bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy. Đến năm 2030, tất cả cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cả nước áp dụng bệnh án điện tử.

Trước đó, năm 2018, Bộ Y tế ban hành Thông tư 46 đưa ra lộ trình đến hết năm 2023 các cơ sở khám chữa bệnh hạng I nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin để triển khai bệnh án điện tử. Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng như các chuyên gia đánh giá thời gian qua quá trình này rất chậm.

Việt Nam hiện có khoảng 1.300 cơ sở y tế, gồm khoảng 135 bệnh viện hạng I công lập (tuyến trung ương, địa phương) và tư nhân. Tuy nhiên, đến nay mới có 37 bệnh viện triển khai bệnh án điện tử, trong đó chỉ vài bệnh viện hạng I, nhiều bệnh viện nhỏ, bệnh viện tư nhân.

"Như vậy, lộ trình đến hết năm 2023 như đề ra là không khả thi", PGS. TS. Trần Quý Tường, Chủ tịch Hội Tin học Y tế Việt Nam, cho biết tại hội thảo Ứng dụng phần mềm mã nguồn mở trong chuyển đổi số y tế, ngày 7/1.

Đồng quan điểm, lãnh đạo Cục Quản lý Khám Chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin tăng chậm trong 5 năm qua. Chỉ 3% cơ sở y tế áp dụng phần mềm quản lý bệnh án và bỏ bệnh án giấy. Chưa đến 50% bệnh viện triển khai đặt lịch khám bệnh trực tuyến.

Nguyên nhân chậm trễ, theo các chuyên gia, có ba điểm nghẽn. Trong đó, quan trọng nhất là nhận thức và mức độ quan tâm đến số hóa của lãnh đạo cơ sở y tế, chuyển đổi số y tế chưa thật sự sâu sắc. Một số bệnh viện chú trọng phát triển chất lượng, kinh tế, chưa sâu sát đến ứng dụng công nghệ. "Nhiều giám đốc bệnh viện không biết Thông tư 46 dù ban hành đã hơn 4 năm", ông Tường nói.

Ngoài ra, cơ chế chính sách, đặc biệt cơ chế tài chính liên quan chuyển đổi số chưa có, chi phí công nghệ thông tin chưa được đưa vào cơ cấu giá viện phí. Hiện kinh phí công nghệ thông tin tại các cơ sở khám chữa bệnh dựa vào ngân sách Nhà nước cấp, các chương trình dự án, hoặc dựa vào bố trí của từng cơ sở y tế, không có hạng mục riêng. Đây là điểm nghẽn lớn nhất, theo ông Tường.

Kỹ thuật cũng là điều khó khăn trong chuyển đổi số y tế. Các bệnh viện lúng túng trong lựa chọn, sử dụng các phần mềm hiện có trên thị trường.

1-9670-1673096925.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=AzOdsXEjZ_CG64CpzAiE7g

Bệnh án điện tử giúp việc điều trị bệnh nhân được công khai, minh bạch. Ảnh: N.P

Các chuyên gia đánh giá chuyển đổi số y tế là ứng dụng công nghệ thông tin một cách tổng thể và toàn diện trong công tác chăm sóc sức khỏe. Bệnh viện triển khai bệnh án điện tử, bỏ bệnh án giấy, được coi là chuyển đổi số thành công đến 70%. 30% còn lại đến từ ứng dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, công nghệ cao...

Vì vậy, các chuyên gia cho rằng Bộ Y tế cần xây dựngchính sách, cơ chế về tài chính cho công nghệ thông tin, hướng dẫn bệnh viện tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm thủ tục phiền hà cho người dân.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022