Mãn kinh là kỳ kinh nguyệt cuối cùng của chị em phụ nữ. Đây là dấu hiệu đánh dấu sự kết thúc của giai đoạn sinh sản và bắt đầu một giai đoạn mới trong cuộc sống.
Theo các chuyên gia, mãn kinh là vấn đề sinh lý nhưng hậu quả để lại do suy giảm nội tiết đối với nhiều người lại là vấn đề bệnh lý. Tức là khi nội tiết của buồng trứng suy giảm sẽ kéo theo những hệ lụy khác như tim mạch, hệ thống xương khớp, loãng xương, suy giảm nhận thức, các vấn đề về bàng quang…
Mãn kinh là sự kết thúc của giai đoạn sinh sản và bắt đầu một giai đoạn mới trong cuộc sống. Ảnh minh họa.
Chia sẻ tại một hội thảo về mãn kinh, TS.BS Trần Thị Thu Hạnh, Phó Khoa Phụ Nội tiết, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, khi các rối loạn mãn kinh ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, phụ nữ cần chủ động tìm đến các chuyên gia y tế sản phụ khoa, chia sẻ và thảo luận về tình trạng của mình để tìm ra các giải pháp phù hợp.
Theo BS Hạnh, có nhiều giải pháp giúp cải thiện các rối loạn tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh, trong đó liệu pháp nội tiết mãn kinh (MHT) đóng vai trò quan trọng, được nhiều hiệp hội y tế uy tín trên thế giới khuyến cáo là giải pháp hàng đầu trong điều trị mãn kinh.
Liệu pháp nội tiết mãn kinh là gì?
Trong cuốn tài liệu Hướng dẫn từ chuyên gia cách nhận biết và các giải pháp hữu ích về mãn kinh (Nhà xuất bản Y học) nêu rõ, liệu pháp nội tiết mãn kinh là giải pháp thay thế lượng estrogen bị mất đi trong thời kỳ mãn kinh, dù là đơn trị hay kết hợp với progestogen. Liệu pháp này giúp giảm bớt các triệu chứng mãn kinh cũng như những hậu quả lâu dài của mãn kinh.
Có nhiều sản phẩm bổ sung nội tiết mãn kinh bao gồm dạng viên, miếng dán, gel. Điều này cho phép điều chỉnh liệu pháp theo nhu cầu của từng người. Miếng dán, gel có thể phù hợp hơn dạng viên đối với một số phụ nữ, kể cả những người có nguy cơ hình thành cục máu đông. Phụ nữ có thể thử nhiều giải pháp nội tiết khác nhau để tìm ra loại nào phù hợp với mình.
Liệu pháp nội tiết mãn kinh đã được nghiên cứu chứng minh làm giảm rõ rệt các triệu chứng tiền mãn kinh và giảm nguy cơ mắc bệnh lý thời kỳ mãn kinh như: cải thiện triệu chứng vận mạch (bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm, mất ngủ, khó chịu); niệu dục (khô teo âm đạo, ảnh hưởng đến đời sống tình dục); giảm loãng xương và gãy xương; giảm nguy cơ bệnh lý tim mạch, đặc biệt là ở một số phụ nữ bắt đầu liệu pháp nội tiết mãn kinh gần với giai đoạn chuyển tiếp mãn kinh.
Lợi ích lâu dài của liệu pháp nội tiết mãn kinh
Loãng xương
Estrogen rất quan trọng đối với sức khỏe xương. Mật độ xương giảm sau thời kỳ mãn kinh, làm tăng nguy cơ loãng xương (xương mỏng đi). Điều này lại làm tăng nguy cơ gãy xương, đặc biệt là xương hông, xương cổ tay và xương sống. Loãng xương ảnh hưởng đến đốt sống có thể làm giảm chiều cao và gây đau lưng.
Liệu pháp nội tiết mãn kinh giúp hạn chế sự mất xương và nguy cơ gãy xương. Một nghiên cứu dài hạn của Hoa Kỳ trên 81.000 phụ nữ sau mãn kinh cho thấy nguy cơ gãy cổ xương đùi tăng 55% khi phụ nữ ngừng sử dụng liệu pháp nội tiết mãn kinh.
Phụ nữ dưới 60 tuổi có các yếu tố nguy cơ loãng xương (ví dụ: gãy xương hoặc giảm chiều cao) hoặc tiền sử gia đình bị loãng xương nên xem xét sử dụng liệu pháp nội tiết mãn kinh để giảm nguy cơ loãng xương và gãy xương.
Liệu pháp nội tiết mãn kinh đem lại những lợi ích nhưng cũng tiềm ẩn một số nguy cơ với phụ nữ mãn kinh. Ảnh minh họa.
Bệnh tim mạch
Bệnh tim mạch (gồm đột quỵ và đau tim) là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở phụ nữ trên 50 tuổi. Đau tim là nguyên nhân gây tử vong phổ biến nhất ở phụ nữ sau mãn kinh.
Thiếu estrogen sau thời kỳ mãn kinh là một trong nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Ngoài ra còn nhiều yếu tố khác như hút thuốc, béo phì, huyết áp cao, đái tháo đường và cholesterol cao.
Bắt đầu sử dụng liệu pháp nội tiết mãn kinh trong vòng 5-6 năm kể từ khi mãn kinh giúp bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tim mạch: giúp giảm 40% nguy cơ mắc bệnh tim mạch và giảm tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch. Liệu pháp này cũng làm giảm nguy cơ đột quỵ nếu bắt đầu áp dụng trong thời kỳ mãn kinh.
Viêm khớp
Estrogen giúp duy trì xương sụn ở khớp và đĩa đệm giữa các đốt sống ở cột sống. Sụn có thể trở nên mỏng hơn sau thời kỳ mãn kinh, làm tăng nguy cơ viêm khớp, gây đau lưng và các cơn đau khớp khác. Estrogen trong liệu pháp nội tiết mãn kinh bảo vệ sụn, giảm nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của viêm khớp.
Trí nhớ và chức năng não bộ
Sử dụng liệu pháp nội tiết mãn kinh trong thời gian dài trong vòng 5 năm đầu của thời kỳ mãn kinh đã được chứng minh là có tác dụng cải thiện trí nhớ và giảm tỉ lệ mắc Alzheimer.
Nguy cơ của liệu pháp nội tiết mãn kinh
Bên cạnh những lợi ích, liệu pháp nội tiết mãn kinh vẫn có một số tác dụng không mong muốn. Phần lớn các tác dụng phụ này đến từ việc lựa chọn các sản phẩm bổ sung estrogen có đúng, đủ và an toàn hay không.
Một số nguy cơ như: Liệu pháp nội tiết mãn kinh đường uống làm tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu; tăng nguy cơ bệnh tim mạch ở những phụ nữ bắt đầu liệu pháp này sau 60 tuổi và những người đã có các yếu tố nguy cơ, chẳng hạn như hút thuốc, thừa cân, huyết áp cao hoặc cholesterol cao. Bên cạnh đó, tăng nhẹ nguy cơ ung thư vú sau 60 tuổi và nguy cơ mắc bệnh túi mật.
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, việc đến cơ sở y tế thăm khám đầy đủ, làm các xét nghiệm tầm soát và để chuyên gia y tế cân nhắc giữa lợi ích với nguy cơ, trước khi quyết định sử dụng liệu pháp nội tiết mãn kinh là điều rất cần thiết.
GĐXH – Theo nghiên cứu, khoảng 70 - 80% phụ nữ chịu ảnh hưởng của các triệu chứng mãn kinh trong thời gian trung bình kéo dài 7,4 năm, trong đó 20 - 35% triệu chứng từ vừa đến nặng.
GĐXH – Các chuyên gia khuyến cáo, dinh dưỡng tốt có thể giúp ngăn ngừa hoặc giảm bớt một số biểu hiện khó chịu phát triển trong và sau mãn kinh ở chị em phụ nữ.