Ở Việt Nam, lòng lợn, dạ dày, cánh gà chiên, chân gà nướng, gan cháy tỏi hay nầm lợn nướng... là những món ăn "nghe thôi đã thấy ngon miệng". Thế nhưng, nguồn gốc của những thực phẩm tạo thành các món ăn trên không phải lúc nào cũng hấp dẫn như chúng ta nhìn thấy. Thậm chí, có những góc khuất mà ai đã từng biết chắc chắn phải rùng mình. Đó là những đường dây vận chuyển, tẩy rửa, chế biến nội tạng thối, thực phẩm giả, thực phẩm nhiễm độc... vô cùng lớn.

7 tấn nội tạng thối... tìm đường tiêu thụ

base64-17465046552561931230013-1746518082993-17465180831511503414008-1746522875178240372829.jpegbase64-17465046552561931230013-1746518082993-17465180831511503414008-1746522875179301317719.jpeg

Ngày 6/5/2025, lực lượng chức năng Hà Nội đã phát hiện một vụ việc gây chấn động dư luận: Hơn 7 tấn nội tạng động vật bốc mùi hôi thối đang được vận chuyển bằng xe đông lạnh đến cơ sở sơ chế trái phép. Toàn bộ số hàng này không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Chủ hàng khai nhận đây là nội tạng được thu gom với giá rẻ từ nhiều nơi, dự định sơ chế, tẩy rửa rồi bán lại cho các quán ăn nhỏ và quán nhậu bình dân.

Trước những hình ảnh các bao tải căng phồng chứa lòng, gan, dạ dày, nầm đã chuyển màu, nồng nặc mùi hôi được chất đống bên lề đường khiến nhiều người không khỏi ám ảnh và đặt câu hỏi: Liệu món lòng lợn luộc thơm phức trên bàn nhậu của mình có phải bắt đầu từ những nơi như thế?

Ngăn chặn hơn 12 tấn nội tạng động vật bốc mùi hôi thối

img-6523-5984-9400jpeg-1746522820323622870973.webp

Trước đó, đầu tháng 1/2025, cơ quan chức năng cũng đã kịp thời ngăn chặn hơn 12 tấn nội tạng động vật gồm đủ các loại như lòng bò, nầm heo... đã có dấu hiệu bốc mùi, được các cơ sở thu gom đưa lên các xe đông lạnh, chuẩn bị tiêu thụ tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành dịp Tết Nguyên đán. Tất cả lô hàng hóa này không có nhãn mác, thông tin sản phẩm, ngày sản xuất hoặc hạn sử dụng. Nhiều sản phẩm đã phân hủy, biến đổi màu sắc và bốc mùi hôi thối.

Số lượng lớn thịt bò, xúc xích, chả cá... bẩn được đưa ra thị trường

Cuối tháng 4/2025, Đội quản lý thị trường số 17, Chi cục quản lý thị trường thành phố Hà Nội phối hợp với Đội 7, Phòng PC03, Công an thành phố Hà Nội tiến hành kiểm tra đột xuất một hộ kinh doanh tại huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội, phát hiện gần 11 tấn thịt bò và nội tạng bò, như: Lòng bò, gân bò, bì bò, họng bò, xách bò, xương bò, dạ dày bò, gan, phổi bò... đông lạnh chưa qua sử dụng, được để trong túi nilong không có nhãn mác, thông tin về sản phẩm. Đặc biệt nhiều loại thực phẩm có dấu hiệu bị hư hỏng, bốc mùi khó chịu.

san-pham-bo-1746522747451333858740.jpg

Chủ hộ kinh doanh này không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của số hàng hóa và khai nhận, thịt, nội tạng bò được cơ sở thu mua trôi nổi trên thị trường, qua nhiều nguồn khác nhau. 

3 tấn thịt đông lạnh bốc mùi ở Huế: Có mẫu nhiễm E.coli gấp 60 lần mức cho phép

Tháng 1/2024, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã kiểm tra và phát hiện một kho hàng đông lạnh với hơn 3 tấn thịt và nội tạng lợn có dấu hiệu vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ, và không có dấu kiểm soát giết mổ hoặc tem vệ sinh thú y.

Sau khi lấy mẫu và gửi đi xét nghiệm, kết quả cho thấy tất cả các mẫu đều không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Đáng chú ý, một số mẫu nhiễm vi khuẩn E.coli cao gấp 60 lần mức cho phép.

base64-17055980813111432383576-17465229165942037899739.png

Đằng sau những món "ngon - rẻ" là hiểm họa cho sức khỏe

Nội tạng động vật thối rữa là nơi lý tưởng cho các loại vi khuẩn gây bệnh như Salmonella, E.Coli, Clostridium perfringens phát triển. Việc tẩy rửa bằng hóa chất không diệt được mầm bệnh mà còn để lại dư lượng chất độc như formol, hàn the, natri sunfit, gây ảnh hưởng lâu dài đến gan, thận, hệ thần kinh và đặc biệt là nguy cơ ung thư đường tiêu hóa.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), nội tạng động vật nói chung cũng như các loại thịt, cá chúng ta ăn hàng ngày cần có chế độ bảo quản đúng cách để an toàn khi ăn.

Việc dùng thịt, nội tạng không rõ nguồn gốc, xuất xứ rất có thể sẽ khiến người tiêu dùng ăn phải nguồn thực phẩm từ động vật nhiễm bệnh, nguy cơ nhiễm các loại vi khuẩn có hại như Salmonella, E.coli, Listeria monocytogenes hay đặc biệt tụ cầu trùng... sẽ rất cao. Chưa kể, để "phù phép" cho nội tạng còn tươi mới, nhiều thương gia có thể tẩm ướp hóa chất gây hại sức khỏe người tiêu dùng. Dùng những thực phẩm này về lâu dài sẽ dẫn đến những nguy cơ mắc bệnh mãn tính, trong đó sát thủ thầm lặng mang tên ung thư là thứ mọi người cần cẩn trọng cao độ.

bo-nuong-catty-1711013936555585680507-1711072187872-1711072187986750392374-1746523044074309678938.png

Bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết nội tạng hay thịt cá cần phải bảo quản đúng cách để đảm bảo an toàn, tươi ngon. Với những loại nội tạng được vận chuyển từ nơi xa bằng container sẽ có một quá trình dài thu gom, rất dễ mất an toàn về thực phẩm.

BS Thiệu cũng cho biết, để bảo quản được loại thực phẩm dễ bị hư hỏng như nội tạng, có thể cần phải dùng tới chất bảo quản thực phẩm. Đặc biệt, với các thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, rất có thể sử dụng chất bảo quản gây hại cho sức khỏe và tiềm ẩn những mối nguy hại khó lường cho sức khỏe.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc tiêu thụ thịt chế biến sẵn như xúc xích, thịt xông khói có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng. Dù WHO không đề cập trực tiếp đến nội tạng động vật, nhưng việc tiêu thụ các loại nội tạng không rõ nguồn gốc, xử lý bằng hóa chất có thể tiềm ẩn nguy cơ tương tự, đặc biệt trong bối cảnh vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập.

Vì sao thực phẩm bẩn vẫn có "đất sống"?

Câu trả lời là: Vì lợi nhuận. Các đầu nậu chỉ cần mua vài chục ngàn/kg "thực phẩm bẩn" này, sau vài công đoạn xử lý là sẽ trở thành "sạch sẽ" và có thể bán gấp 5–10 lần. Một số quán ăn, vì ham rẻ hoặc vì không có kiến thức kiểm tra, mà vẫn nhập loại hàng này về chế biến và bán.

Bên cạnh đó, nhiều người tiêu dùng lại dễ dãi và ham rẻ. Ít ai tự hỏi: "Tại sao đĩa lòng đầy ụ lại chỉ 30 ngàn?", hay "chân gà ướp sả tắc mua ngoài đường tại sao rẻ hơn siêu thị một nửa?"... Cũng ít người đủ tỉnh táo để từ chối những món "ngon miệng, béo bùi" nhưng không hề rõ nguồn gốc, kết quả là vẫn "nhắm mắt" tiêu thụ, bất chấp những cảnh báo trên các hệ thống thông tin.

cach-uop-nam-heo-nuong-beo-gion-cuc-ngon-tai-nha-760x367-1746523147299523635304.jpg

Ăn ngon không có nghĩa là ăn liều

Trong bối cảnh thực phẩm bẩn vẫn len lỏi mọi ngóc ngách, điều tốt nhất mỗi người tiêu dùng có thể làm là tự bảo vệ mình bằng cách chọn nơi ăn uy tín, yêu cầu rõ nguồn gốc, đặc biệt là phải học cách phân biệt thực phẩm sạch - bẩn.

Để phân biệt giữa nội tạng đông lạnh và nội tạng tươi sống, ông Ngô Xuân Dũng - một chuyên gia công nghệ thực phẩm - chia sẻ trên trang VOV một vài đặc điểm nhận biết như sau: Nội tạng động vật tươi thường có màu hồng sáng, không bị chảy nước, không bị thâm, không bị nhăn nheo, bề mặt căng đều. Khi thấy nội tạng động vật được ngâm lạnh, vẫn còn cứng do "đóng đá", tức là sản phẩm đã được để lâu và bảo quản đông lạnh. Nếu ấn nhẹ lên bề mặt nội tạng không thấy có sự đàn hồi, không bị lún thì đó là nội tạng đông lạnh.

Một bữa ăn ngon không chỉ nằm ở hương vị, mà còn ở sự an toàn. Bởi cái giá của một bữa nhậu với lòng lợn không rõ nguồn gốc có thể là... cả sức khỏe.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022