Nội dung chính:

- Sắn dây được nâng tầm giá trị khi ra nước ngoài.

- Tác dụng của sắn dây.

- Bài thuốc và lưu ý khi dùng sắn dây.

Củ sắn dây không hề xa lạ với người Việt. Nếu trước kia sắn dây thường được trồng làm bờ rào thì ngày nay, các giá trị dinh dưỡng tốt cho sức khỏe của loại củ này lại thu hút rất nhiều người, khiến sắn dây được săn lùng.

  • gia-do-07312105-1735373810681-173537381078718059048-37-0-487-720-crop-17353738922851088766918.jpg

    Cách đơn giản phân biệt giá đỗ sạch và giá đỗ ủ hóa chất

Tại Việt Nam, bột củ sắn dây được bán với giá trung bình dao động từ 150.000-170.000đ/kg, tùy vào thương hiệu. Tuy nhiên, trên trang thương mại điện tử Amazon, một gói bột sắn dây trọng lượng 450gr lại có giá 16 USD (tương đương khoảng 407 nghìn đồng). Như vậy, tại nước ngoài, 1kg bột sắn dây sẽ được bán với giá khoảng 1 triệu đồng/kg – theo thông tin đăng tải trên báo VietNamnet.

Tác dụng của sắn dây

Sắn dây không chỉ là thực phẩm giúp làm mát cơ thể vào những ngày hè mà còn là một trong những vị thuốc giải rượu rất hiệu quả.

Bác sĩ Bùi Thị Yến Nhi, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - Cơ sở 3 cho biết, sắn dây được xếp đầu bảng của các thực phẩm giúp giải rượu. Sắn dây có thể cải thiện các rối loạn chuyển hóa, trao đổi chất do rượu gây ra, vì vậy sau khi say rượu, mọi người có thể sử dụng 10-20g sắn dây để giải rượu.

Ngoài ra, cát hoa (hoa sắn dây) cũng có tác dụng điều trị ngộ độc do rượu, chữa say rượu, viêm dạ dày mạn tính.

1582020925-592-thumbnailschemaarticle-1735390764027-1735390764295233519255.jpg

Củ sắn dây. (Ảnh minh họa)

Trong y học cổ truyền sắn dây còn được biết tới cái tên là cắt căn, có vị ngọt cay, tính bình, đi vào 2 kinh: Tỳ, vị. Sắn dây có tác dụng giải nhiệt, làm tăng bài tiết tân dịch, giải khát. Sắn dây cũng thường được dùng để chữa các chứng bệnh sốt nóng, nhức đầu, đau cứng cổ, khát nước, khó chịu, nôn khan, chảy máu cam, tả lỵ, mỏi gân và cơ bắp.

Một số bài thuốc sử dụng sắn dây

Theo nhóm tác giả: Dược sĩ Phạm Thiệp – Lê Văn Thuần – Bùi Xuân Chương, sắn dây được ứng dụng trong rất nhiều bài thuốc chữa bệnh, cụ thể như sau:

- Chữa cảm mạo, sốt, nóng: Cát căn 8g, đại táo 6g, ma hoàng 4g, bạch thược 4g, quế chi 4g, sinh khương 4g, cam thảo 4g. Sắc lấy nước uống.

- Chữa cảm sốt cao, đau mỏi toàn thân, khó ngủ: Cát căn 6g, sài hồ 3g, khương hoạt 3g, bạch truật 3g, hoàng cầm 3g, thược dược 3g, đại táo 3 quả, cam thảo 1.5g, cắt cánh 1.5g, thạch cao 6g, gừng 3 lát. Sắc lấy nước uống.

- Chữa viêm ruột cấp, lỵ trực khuẩn: Cát căn 9g, cam thảo 3g, hoàng cầm 9g, hoàng liên 3g. Sắc lấy nước uống.

- Chữa sởi mới phát: Cát căn 9g, ngưu bàng tử 9g, kinh giới 6g, liên kiều 12g, uất kim 6g, cam thảo 6g, cát cánh 6g. Sắc lấy nước uống.

- Chữa tăng huyết áp, đau cứng cổ: Cát căn 15g, sắc lấy nước uống.

- Chữa nhiệt mới phát: Cát căn 6g, thạch cao sống 15g, tri mẫu 6g. Sắc lấy nước uống.

Những lưu ý khi sử dụng sắn dây

Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, khi dùng sắn dây, người dân cần lưu ý những điểm sau:

- Người bị chứng âm hư không dùng sắn dây.

- Sắn dây dễ bị mốc, mọt do đó mọi người cần phơi khô hoặc để nơi thoáng mát, tránh chuột, mọt.

- Dùng sắn dây quá liều lượng cho phép có thể gây tiêu chảy.

- Không dùng sắn dây trong trường hợp bị hàn thấp khí mức độ nặng.

- Khi cơ thể đang lạnh, mọi người không nên uống nước sắn dây, đặc biệt là phụ nữ mang thai.

Mặc dù sắn dây có nhiều tác dụng trị bệnh nhưng tác dụng thường chậm và phụ thuộc vào cơ địa của từng người. Do đó, để phát huy hiệu quả của sắn dây, người dân nên tham khảo ý kiến của chuyên gia có chuyên môn.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022