Linh, trú ở Đống Đa, nhập Bệnh viện Đại học Y Hà Nội hôm 4/2, sau bữa tối với các món ăn được mẹ gửi từ quê lên. Cô gái trẻ đau bụng dữ dội, vã mồ hôi và tiêu chảy liên tục sau khi ăn giò, bánh chưng rán và canh bóng nấu sườn - những món được bảo quản trong tủ lạnh đã nhiều ngày.

"Tủ lạnh chật cứng thực phẩm, tôi đành mời bạn bè đến 'giải cứu' vì tiếc của không nỡ bỏ đi", Linh chia sẻ. Kết quả, không chỉ Linh mà hai người bạn cùng ăn cũng có triệu chứng đau bụng, buồn nôn. Các bác sĩ chẩn đoán cô gái ngộ độc thực phẩm, kê đơn thuốc và hướng dẫn cách ăn uống để giải độc, bù nước.

Hoàng Nam, 30 tuổi, cũng trở thành "nạn nhân" của thói quen "no miệng đói con mắt" ngày Tết. Bố mẹ anh quan niệm Tết dư dả, phải chuẩn bị nhiều thực phẩm và nấu gấp đôi ngày thường để tiếp khách. Kết quả, các món ăn bỏ tủ lạnh và hâm đi hâm lại nhiều ngày vẫn không tiêu thụ hết.

"Ăn ngày Tết rất no nhưng không ngon. Ăn xong thì đầy bụng, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, phải mua cả men tiêu hóa uống ròng rã cả tháng để lấy lại cân bằng", người đàn ông bức xúc.

9ab689ea-7f1f-4cca-9d99-65fc3e-4499-2935-1738732436.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=FY4OwLPbLprgp6s7OShrrA

Hết Tết, bữa ăn của Linh vẫn quanh quẩn giò, chả, thịt trâu gác bếp, bánh chưng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trong 9 ngày nghỉ Tết Ất Tỵ 2025, các bệnh viện tiếp nhận khoảng 550.000 lượt khám và cấp cứu, với gần 200.000 người điều trị nội trú. Trong đó, hơn 700 người khám, cấp cứu do rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn tự chế biến, say bia rượu, gần 450 người phải nhập viện theo dõi, điều trị.

Hàng loạt bệnh viện như Bạch Mai, Đại học Y Hà Nội, hay Đức Giang ghi nhận nhiều bệnh nhân bị ngộ độc, xuất huyết tiêu hóa trong tình trạng cấp cứu. Các bác sĩ cảnh báo, dù chưa có vụ ngộ độc tập thể nào đáng kể, thói quen tích trữ và tiêu thụ thực phẩm thừa vẫn tiềm ẩn rủi ro lớn đến sức khỏe cộng đồng.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia tại Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội, phong tục tích trữ thực phẩm trong ngày Tết bắt nguồn từ quan niệm "dư dả sau Tết là may mắn". Thậm chí, thói quen không bỏ phí đồ ăn đã ăn sâu vào nếp sống của nhiều gia đình Việt, coi đó như một hành động tiết kiệm. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng, việc bảo quản và sử dụng thức ăn không đúng cách có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa.

"Hâm đi hâm lại thực phẩm không chỉ làm mất chất dinh dưỡng mà còn tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, sinh độc tố. Những độc tố này đôi khi không bị tiêu diệt trong quá trình hâm nóng", ông cảnh báo.

Tương tự, bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho rằng tủ lạnh - thiết bị không thể thiếu trong mỗi nhà - cũng có giới hạn. Khi thực phẩm quá tải, luồng không khí lạnh phân bổ không đều, vi khuẩn dễ dàng sinh sôi và gây hại.

"Thực phẩm không nên tích trữ quá lâu. Thức ăn chín chỉ được bảo quản trong một đến hai ngày ở ngăn mát hoặc lâu hơn nếu cấp đông đúng cách. Những món ăn như rau thừa sau bữa không nên tái sử dụng vì dễ sinh độc tố hoặc mất giá trị dinh dưỡng", bác sĩ khuyên.

Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Food Protection, một số loại vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm vẫn có thể tồn tại và phát triển ngay cả trong môi trường nhiệt độ thấp của tủ lạnh.

ta-i-xuo-ng-jpeg-1738659315-6121-1738732436.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=16k40RuQO0UpiiOaUEqT6w

Trung tâm cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai liên tục tiếp nhận, xử trí bệnh nhân cấp cứu sau Tết. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Để giữ sức khỏe cho gia đình, các chuyên gia khuyến cáo nên quay về với thói quen nấu nướng vừa đủ, ăn đa dạng, lành mạnh và tránh dư thừa thực phẩm. Rau xanh, các loại hạt, và thực phẩm tươi sống như cá, thịt gia cầm nên được ưu tiên thay vì thịt đỏ hay thực phẩm chế biến sẵn. Ngoài ra, cần duy trì các thói quen tốt như uống đủ nước, hạn chế đồ ăn chiên rán, cay nóng và kiểm tra kỹ thực phẩm trước khi chế biến.

"Thay vì cố gắng tiêu thụ hết đồ ăn thừa, việc cân đối khẩu phần từ đầu sẽ giúp bảo vệ sức khỏe tốt hơn", PGS Thịnh nhấn mạnh.

Thùy An

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022