"Nhờ có ca ghép thận này, tôi được sống khỏe mạnh trở lại", người phụ nữ nói hôm 22/7, sau gần 1 tháng được ghép quả thận nhận từ con gái. Hiện, cả người cho và người nhận đều ổn định sức khỏe.

Người bệnh mắc viêm đa khớp dạng thấp từ năm 28 tuổi. Trong suốt 24 năm, bà phải sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm, đặc biệt là corticoid và thuốc kháng viêm non-steroid để kiểm soát các cơn đau.

Từ năm 2020, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện teo cơ, phù toàn thân, mệt mỏi kéo dài, ăn uống kém. Sau đó, bà được chẩn đoán suy thận mạn, phải chạy thận định kỳ để duy trì sự sống. Tuy nhiên, tình trạng ngày càng trở nặng, bệnh nhân được chỉ định ghép thận. Người con gái quyết định hiến một quả thận để cứu mẹ.

Ngày 24/6, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á phối hợp cùng êkíp Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực hiện ca ghép trên. Quá trình phẫu thuật diễn ra thuận lợi, thận ghép hoạt động tốt.

EKIP-PHA-U-THUA-T-GHE-P-THA-N-4096-6356-1753157324.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=1IvJ3KAdSbse9fpz9gIEGw

Êkíp phẫu thuật ghép thận cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

BS.CK1 Vũ Lệ Anh, Trưởng khoa Nội Thận, Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân, cho biết bà mắc nhiều bệnh lý nền như viêm đa khớp dạng thấp và cushing do thuốc, kèm theo tình trạng loãng xương, béo phì nên nguy cơ cao sẽ có nhiều vấn đề có thể xảy ra sau ghép thận như dễ nhiễm trùng, đái tháo đường.

Hơn nữa, việc người bệnh dùng thuốc chữa xương khớp thường xuyên cũng gây bất lợi khi thực hiện phẫu thuật. Trước khi mổ, các bác sĩ phải nghiên cứu điều chỉnh liều corticoid ở mức thấp nhất có thể để kiểm soát triệu chứng đau khớp tay chân cho bệnh nhân. Sau ghép, bà cũng được điều chỉnh các dịch truyền ở mức phù hợp để tránh đường huyết tăng.

Bác sĩ Lệ Anh cho rằng trường hợp trên là lời nhắc nhở về tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc điều trị viêm khớp nếu không được theo dõi sát. Việc sử dụng kéo dài các loại thuốc ức chế miễn dịch hay corticoid có thể gây tổn thương gan, dạ dày..., đặc biệt là thận.

"Nhiều người bệnh viêm khớp hiện vẫn lạm dụng thuốc giảm đau mỗi ngày, thuốc có thể gây viêm thận kẽ cấp tính, viêm mạch thận, lâu dần dẫn tới suy thận mạn tính", bác sĩ Lệ Anh nói.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo người mắc các bệnh lý mạn tính không nên tự ý dùng thuốc, cần tái khám định kỳ và theo dõi sát sao chức năng thận. Nếu đang điều trị bệnh lý mạn tính như viêm khớp, lupus, đái tháo đường..., cần chủ động thăm khám định kỳ với bác sĩ chuyên khoa Nội Thận hoặc Cơ xương khớp để được theo dõi, chữa trị kịp thời.

Ghép thận là kỹ thuật chuyên sâu chỉ có ở các bệnh viện tuyến cuối tại Hà Nội hoặc TP HCM. Tính đến đầu 2024, sau 31 năm ghép tạng và 13 năm lấy tạng từ người cho chết não, cả nước thực hiện được hơn 8.000 ca ghép. Hiện, 4.000 người trong danh sách chờ ghép, chủ yếu là bệnh nhân chờ ghép thận và gan.

Việt Nam ghi nhận hơn 10 triệu người mắc bệnh thận mạn tính. Tỷ lệ mắc bệnh thận mạn mới hằng năm là khoảng 8.000 người, 800.000 bệnh nhân cần phải chạy thận lọc máu, chiếm 0,1% dân số. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ có 5.500 máy chạy thận phục vụ 33.000 bệnh nhân. Tỷ lệ tử vong do bệnh này đứng thứ 8 trong số 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong.

Mỹ Ý

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022