Trước đó, trong cùng ngày, năm 2021, Hoover được đưa vào viện cấp cứu do dùng thuốc quá liều. Một bác sĩ tuyên bố anh đã chết não và đủ điều kiện hiến mô tạng, dù hồ sơ bệnh án ghi nhận Hoover vẫn phản ứng với kích thích, giao tiếp bằng mắt và lắc đầu. May mắn anh tỉnh dậy ngay lúc êkíp phẫu thuật đang vệ sinh thân thể bệnh nhân để chuẩn bị mổ lấy nội tạng. Một bác sĩ trong kíp phẫu thuật kịp thời dừng quy trình khi nhận thấy phản xạ của Hoover.
Anh sống sót, hiện ở cùng chị gái tại Richmond, Kentucky và chia sẻ câu chuyện của mình trên TikTok. Câu chuyện của Hoover gây chấn động và khởi đầu cho cuộc điều tra liên bang quy mô lớn về hệ thống hiến tạng Mỹ.
Từ cuộc điều tra này, cơ quan chức năng phát hiện một tổ chức hiến tạng đã thực hiện quy trình mổ lấy nội tạng từ những người vẫn có dấu hiệu sống, dấy lên làn sóng phẫn nộ trong dư luận và giới chuyên môn. Cuộc điều tra cho thấy hành vi này vi phạm chuẩn mực đạo đức y khoa, đồng thời cảnh báo sâu sắc về tính minh bạch và mức độ an toàn trong hệ thống hiến tạng hiện hành. Những gì xảy ra với anh TJ Hoover chỉ là một phần nổi của tảng băng chìm.
Trường hợp khác tiếp tục làm dấy lên lo ngại trong cộng đồng y tế và xã hội Mỹ là Misty Hawkins. Mùa xuân năm ngoái, Hawkins vẫn là một phụ nữ 42 tuổi hoạt bát, hài hước, yêu thích giải đua môtô Thunder Beach. Thế nhưng một tai nạn khi đang ăn khiến bà bị nghẹn và rơi vào hôn mê. Mẹ bà buộc phải đưa ra quyết định khó khăn: rút máy thở và hiến nội tạng con gái. Tại Bệnh viện Flowers ở Alabama, nhóm bác sĩ phẫu thuật gấp rút chuẩn bị ca mổ nhận tạng của Hawkins, vì nếu để lâu hơn các tạng không thể sử dụng được nữa.
Hawkins được đẩy vào phòng phẫu thuật, bác sĩ tháo máy thở và tiêm thuốc an thần. Sau 103 phút, bà được tuyên bố tử vong, nhưng chỉ 5 phút sau khi đội phẫu thuật bước vào phòng, trái tim Hawkins bất ngờ đập trở lại. Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ sau đó xác nhận tim Hawkins đập đủ mạnh để bơm máu đi khắp cơ thể. Bà thở hổn hển, những dấu hiệu cho thấy sự sống vẫn còn hiện diện.
Ca phẫu thuật lấy tạng lập tức dừng lại, bác sĩ khâu lại vết mổ. 12 phút sau, Hawkins được tuyên bố tử vong lần thứ hai. Các cơ quan nội tạng không được sử dụng. Gia đình không hề biết chuyện gì đã xảy ra, mãi đến hơn một năm sau mới đọc được thông tin này trên báo.

Vụ án liên quan đến TJ Hoover vẫn đang được văn phòng tổng chưởng lý Kentucky điều tra. Ảnh: CNN
Quy trình có vấn đề nghiêm trọng
Các trường hợp như Hoover hay Hawkins buộc cơ quan chức năng xem xét lại toàn bộ hệ thống. Hawkins là người hiến tặng sau khi chết tuần hoàn (DCD), xảy ra khi một người bệnh nặng hoặc chấn thương nặng, gia đình quyết định rút máy thở.
"Chúng tôi từng có những người hiến DCD với nhiều phản xạ rõ ràng. Nhưng nếu gia đình được thông báo đầy đủ, quá trình này vẫn được xem là đạo đức và hợp chuẩn", Tiến sĩ Robert Cannon, Giám đốc phẫu thuật chương trình ghép gan tại Đại học Alabama, phát biểu.
Trong khi đó, Hoover là người hiến tặng sau chết não (DBD), được thực hiện khi chức năng não và thân não của một người đã ngừng hoạt động hoàn toàn và không thể phục hồi. Ở trường hợp này, người bệnh được xác định là đã chết dựa trên các tiêu chí y học như không có hoạt động điện não, không lưu lượng máu đến não và không có phản xạ thần kinh.
Dù DCD và DBD rất quan trọng, giúp cứu sống hàng nghìn người mỗi năm, các sai sót trong xác định thời điểm tử vong và ra quyết định lâm sàng đang làm dấy lên hoài nghi sâu sắc về độ tin cậy của quy trình.
Ngày 22/7, trong một phiên điều trần, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ ra thông cáo triển khai một sáng kiến cải cách toàn diện nhằm nâng cao tính minh bạch và an toàn của toàn hệ thống.
Theo báo cáo điều tra và tài liệu chuẩn bị cho phiên điều trần, các trường hợp như Hoover và Hawkins do Kentucky Organ Donor Affiliates điều phối. Tổ chức này hoạt động tại Kentucky, một số khu vực thuộc Ohio, West Virginia, sau đó sáp nhập với một nhóm khác và đổi tên thành Network for Hope.
Trong 351 trường hợp bị điều tra, hơn 100 ca được đánh giá "có điểm nghi vấn nghiêm trọng". 3 bệnh nhân có phản xạ hệ thần kinh không phù hợp với chuẩn hiến tặng. Ít nhất 28 ca diễn ra khi người hiến có thể vẫn chưa qua đời. Phát hiện này đặt ra câu hỏi nghiêm trọng về đạo đức và pháp lý.
"Chúng tôi nhận thấy các bệnh viện đã cho phép lấy nội tạng khi bệnh nhân vẫn có dấu hiệu sự sống. Điều này vô cùng đáng sợ", Bộ trưởng Y tế Mỹ Robert F. Kennedy Jr. tuyên bố trong thông cáo báo chí. Ông nhấn mạnh các tổ chức thu mua nội tạng điều phối việc ghép tạng phải chịu trách nhiệm, đồng thời cho rằng toàn bộ hệ thống cần được cải tổ để đảm bảo sự tôn nghiêm với mỗi sinh mệnh.

Minh họa quá trình cấy ghép nội tạng. Ảnh: ABC News
Sai phạm nối tiếp sai phạm
Network for Hope chưa trả lời yêu cầu bình luận từ truyền thông. Trên trang web, tổ chức này cho biết "cam kết minh bạch tuyệt đối" và tuân thủ đầy đủ quy định của Trung tâm Dịch vụ Medicare & Medicaid.
"Mục tiêu của chúng tôi luôn là đạt chuẩn đạo đức và chuyên môn cao nhất trong hiến tặng và cấy ghép", tổ chức nêu rõ.
Cuộc điều tra cũng ghi nhận nhiều sai phạm về quy trình như không tuân thủ hướng dẫn chuẩn, bỏ qua nguyện vọng gia đình, thiếu hợp tác với nhóm y tế chính và đánh giá sai chức năng thần kinh của bệnh nhân. Theo báo cáo, tình trạng này phản ánh lỗ hổng nghiêm trọng trong văn hóa đảm bảo chất lượng của hệ thống.
Theo kết luận của Cơ quan Quản lý Tài nguyên và Dịch vụ Y tế Mỹ (HRSA), tổ chức này cùng Mạng lưới Mua - Cấy ghép nội tạng Toàn quốc đã không kịp thời phát hiện và xử lý thỏa đáng các dấu hiệu bất thường trong quy trình và quá trình chăm sóc bệnh nhân.
Kentucky Organ Donor Affiliates là một trong 55 tổ chức cung ứng nội tạng toàn quốc. HRSA đang nhận được nhiều báo cáo tương tự về nguy cơ rủi ro trong quy trình cung ứng tại nhiều đơn vị khác.
Cơ quan này yêu cầu thực hiện các cải cách toàn diện để đảm bảo an toàn cho người hiến trên toàn quốc, đồng thời buộc tổ chức ở Kentucky phân tích nguyên nhân gốc rễ của các sai phạm và xây dựng quy trình tạm dừng hiến tặng nếu có lo ngại về an toàn.
Quốc hội Mỹ đã điều tra hệ thống hiến tạng quốc gia trong nhiều năm. Phiên điều trần hôm 22/7 nhằm xác định những bài học có thể rút ra, những thay đổi cần thiết để cải thiện hệ thống và các thách thức phía trước.
Tính đến năm 2022, có khoảng 170 triệu người ở Mỹ đã đăng ký hiến tạng sau khi qua đời, tuy nhiên nhu cầu ghép tạng luôn vượt quá nguồn cung. Riêng năm ngoái, hơn 48.000 ca ghép tạng được thực hiện, trong khi danh sách chờ hơn 103.000 người. Mỗi ngày, có khoảng 13 người qua đời khi chưa kịp nhận tạng mới, theo HRSA.
Bộ Y tế cho biết quyết định cải cách được đẩy nhanh sau khi HRSA điều tra hàng chục trường hợp hiến tặng không thành công, trong đó một số ca bị tiến hành quy trình lấy nội tạng nhưng cuối cùng không diễn ra hiến tặng.
Thục Linh (Theo CNN, Reuters)