Tại Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm thu nhận và điều phối giác mạc Việt Nam và Singapore do Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia và Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 tổ chức chiều 15/10, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Hội Vận động hiến tặng mô, tạng Việt Nam cho biết, từ tháng 5 tới nay, số lượng ca hiến tạng từ người chết não tăng gấp 3 lần. Các ca ghép tạng trong đó có ghép hiến giác mạc tăng 10% so với thời điểm trước.
Tuy nhiên, quá trình ghép tạng vẫn còn gặp một số khó khăn bởi Việt Nam hiện chỉ có 2 cơ sở y tế có khả năng thu, ghép giác mạc trên cả nước. Bên cạnh đó số lượng giác mạc hiến vẫn còn ít.
Theo bà Tiến, ngoài nguồn hiến trong nước, Việt Nam được tặng nguồn giác mạc từ nước ngoài. Tuy nhiên, thủ tục hải quan và bảo quản giác mạc còn khó khăn bởi giác mạc không phải bệnh phẩm, không phải thiết bị hay mẫu vi sinh vật mà giác mạc là mô cần bảo quản sống. Vì vậy, các cơ quan chức năng, các cơ sở thu, ghép giác mạc cần có kiến nghị chính thức tới Bộ Y tế, Tổng cục Hải quan để được tạo điều kiện về thủ tục giúp vận chuyển nguồn giác mạc từ nước ngoài về Việt Nam ghép cho người bệnh sớm.
“Chúng ta biết rằng những người đã mất đều có thể hiến giác mạc và mang lại ánh sáng cho 2 người khác. Điều đó rất ý nghĩa, cần phải động viên khuyến khích”, bà Tiến nói.
Tại Việt Nam, việc lấy - ghép giác mạc được thực hiện từ năm 2007. Đến nay, nước ta đã có hơn 3.000 người được ghép giác mạc, trong đó có hơn 50% là từ nguồn người hiến tại cộng đồng, tập trung chủ yếu ở Ninh Bình, Nam Định... Năm 2020 là năm có số ca ghép giác mạc nhiều nhất, với 169 người được ghép.
Cho đến nay đã có hơn 20 tỉnh thành có người hiến tặng giác mạc sau khi qua đời. Tuy nhiên, số người mù vì bệnh lý giác mạc đang rất lớn, khoảng hơn 30.000 người nhưng con số được ghép giác mạc rất ít ỏi. Số bệnh nhân chờ ghép giác mạc chủ yếu là ở độ tuổi 30-60, ngoài ra còn có cả trẻ em.
Chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm thu nhận giác mạc. (Ảnh PV)
Theo PGS.TS Hoàng Thị Minh Châu, Giám đốc ngân hàng Mô Bệnh viện Mắt Hà Nội cơ sở 2, tọa đàm là tiền đề mở ra nhiều cơ hội hợp tác lâu dài với những quốc gia đi đầu về hoạt động của ngân hàng Mắt; tạo điều kiện cho các nhà hoạch định chính sách có thêm các góc nhìn rộng hơn trong hoạt động hiến, tặng giác mạc. Đây là bước đệm quan trọng để ngân hàng Mắt Việt Nam tiến xa hơn trên con đường phát triển, mang lại nhiều hi vọng cho bệnh nhân.
TS.BS.Howard Cajucon Uy, Phụ trách Ngân hàng Mắt Singapore, Phó chủ tịch Hiệp hội ngân hàng Mắt Châu Á cho biết, việc thu nhận giác mạc hiến được ưu tiên lấy từ nguồn là những người qua đời tại các bệnh viện. Bởi qua các bệnh viện, đơn vị thu nhận sẽ biết được sức khỏe của người hiến, với các tiêu chí về bệnh lý, tiền sử bệnh tật… Các đơn vị làm việc trực tiếp với các điều dưỡng ở các bệnh viện để nắm được bệnh nhân có nguyện vọng hiến giác mạc và khi họ qua đời điều dưỡng sẽ thông báo cho ngân hàng Mắt.
Số ca hiến tạng đã tăng
Theo báo cáo của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, từ năm 2010 đến 2020, mỗi năm nước ta có 10-11 ca chết não hiến tạng.
Riêng năm 2023, có 14 ca chết não hiến tạng. Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm 2024 đã có 25 ca chết não hiến mô, tạng, góp phần tăng số tạng hiến từ người chết não đạt 87/892 bệnh nhân ghép (tương đương 10,49%). Đây được coi là con số kỷ lục của Việt Nam vì trước đây, tỷ lệ hiến tạng từ người chết não chỉ chiếm khoảng 5-6%.
Tính đến tháng 9/2024, sau 32 năm triển khai ghép tạng và 14 năm lấy tạng từ người cho chết não, cả nước ghi nhận 180 ca chết não hiến tạng. Ghép tạng là phương pháp điều trị duy nhất để cứu sống bệnh nhân trong một số trường hợp.
Việt Nam đã thực hiện thành công ghép hầu hết các tạng như các nước phát triển đã thực hiện, gồm: Ghép thận, gan, tim, phổi, tụy, ruột, khí quản, chi thể…
Năm 2023, Việt Nam ghép tạng cho 1.000 người, đưa nước ta trở thành quốc gia có nhiều người được ghép tạng nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, danh sách chờ ghép tạng vẫn còn dài, hàng ngày vẫn có nhiều người bệnh qua đời vì không có tạng ghép. Vì vậy, việc vận động hiến mô, tạng là nền tảng của sự phát triển nguồn hiến mô, tạng từ người cho chết não. Hành động hiến mô, tạng cần được truyền thông rộng rãi để nâng cao nhận thức của cộng đồng về nghĩa cử cao đẹp hiến mô, tạng cứu người.