Chi Hoa, 38 tuổi, trú tại Cầu Giấy bị suy giảm sức đề kháng kể từ đợt mắc Covid từ tháng 3. Chị liên tục mắc các bệnh hô hấp, bội nhiễm dẫn đến viêm xoang, viêm phế quản mãn tính, dùng nhiều đợt kháng sinh nhưng bệnh vẫn tái phát mỗi khi thời tiết chuyển mùa.

Gần đây, cảm thấy sức khỏe suy giảm, bệnh hen kéo dài dai dẳng, chị lên nhóm cư dân trên Facebook nhờ giới thiệu điều dưỡng đến nhà truyền dịch để nâng cao miễn dịch.

Nhân viên y tế nhanh chóng có mặt và truyền đạm, song chỉ sau vài phút, người phụ nữ thấy ớn lạnh, buồn nôn, chóng mặt... Thấy vợ có biểu hiện bất thường, người chồng vội đưa chị đến trung tâm y tế gần nhà, may mắn được xử lý kịp thời, không có biến chứng. Chị nói, đây là lần đầu truyền dịch tại nhà, cơ địa vốn không có tiền sử dị ứng nên không rõ vì sao bị sốc phản vệ.

-1792-1666797576.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ZAiJicJH4oE15k3MpEHuHQ

Sau khi truyền dịch tại nhà, chị Hoa chóng mặt, buồn nôn... phải nhập viện cấp cứu. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cũng thường xuyên gọi nhân viên y tế đến truyền dịch tại nhà, chị Loan, 30 tuổi, ở Thanh Xuân nói việc này tiết kiệm nhiều thời gian và phù hợp với người bận rộn. Mặt khác, trong bối cảnh dịch chồng dịch, nhiều người e ngại việc đến bệnh viện vì sợ lây nhiễm chéo, giải pháp gọi người đến nhà truyền dịch là "tối ưu nhất".

"Bình thường nếu bị cảm sốt phải nằm mất cả tuần, nhưng chỉ cần truyền từ hai đến ba chai là khỏe hẳn, lại đi làm bình thường chỉ sau 1-2 ngày", chị kể.

Theo ghi nhận của VnExpress, tình trạng người dân tự truyền dịch tại nhà để "cắt" cảm cúm, sốt rất phổ biến. Trên các hội nhóm, chỉ cần gõ "truyền dịch tại nhà", bạn có thể nhận được hàng chục gợi ý "hỗ trợ tận nhà", "chăm sóc 24/24"..., giá dao động từ 100.000 đến 200.000 đồng tùy quãng đường. Người cung cấp dịch vụ sẽ đảm bảo phục vụ theo yêu cầu, có mặt nhanh nhất có thể.

Tuy nhiên, không phải ai truyền dịch tại nhà cũng cải thiện sức khỏe và cắt sốt. Như bệnh nhân nam, 42 tuổi, ở Phú Thọ, sốt cao một tuần, đau ngực, không nôn, mệt mỏi. Nghĩ bị sốt thông thường, người bệnh tự truyền dịch tại nhà trong ba ngày liên tục nhưng không đỡ, nhập viện cấp cứu, kết quả bị sốt mò. Bác sĩ phải kê kháng sinh đặc hiệu, điều chỉnh rối loạn điện giải nâng đỡ thể trạng... Bệnh nhân may mắn khi tổn thương chưa lan sâu, chưa gây suy tạng hoặc sốc nhiễm khuẩn, xuất viện sau một tuần điều trị.

PGS TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết truyền dịch là đưa vào cơ thể một lượng nước, các chất điện giải, chất dinh dưỡng như glucose, đạm, chất béo, vitamin... Tuy nhiên, dịch truyền có nhiều loại, mỗi loại lại có các thành phần, nồng độ khác nhau và phải được tiến hành ở những cơ sở y tế có đủ điều kiện, khả năng để xử trí tai biến trong khi truyền.

Trước khi truyền, bệnh nhân cần làm các xét nghiệm máu, khám tim, phổi, mạch, huyết áp để quyết định có cần truyền dịch hay không và liều lượng bao nhiêu. Ví dụ người bệnh bị mất điện giải mà truyền đường sẽ làm bệnh nặng hơn; hoặc truyền đường trong khi cơ thể thiếu natri sẽ làm máu loãng, gây phù não. Người già, thận yếu, truyền dịch không đúng còn có thể gây phù não, tai biến...

Bên cạnh đó, khi truyền dịch tại nhà, người bệnh dễ bị sốc do tốc độc truyền nhanh và nguy cơ nhiễm khuẩn do không đảm bảo sát khuẩn dụng cụ hoặc lấy ven sai, phải lấy lại nhiều lần...

-7338-1666797577.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=NreYXEqh8IpH06-CyyMhsQ

Các cơ sở dịch vụ đưa ra lời mời có cánh để thuyết phục bệnh nhân. Ảnh chụp màn hình

Theo khuyến cáo Bộ Y tế, các cơ sở y tế, bác sĩ, điều dưỡng cần chỉ định dùng thuốc phù hợp, chỉ tiêm khi không sử dụng được đường dùng khác. Tùy theo thể trạng, bác sĩ tư vấn truyền loại dịch phù hợp. Song, không phải bệnh nhân nào ốm sốt cũng phải truyền và có thể truyền vào bất cứ thời điểm nào. Khi tự ý truyền dịch mà chưa có kết quả kiểm tra, chưa đánh giá được mức độ tổn thương và tình trạng bệnh nền, người dân dễ bị biến chứng hơn.

Bác sĩ Nguyễn Minh Nguyên, Khoa Hồi sức - Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cũng nhấn mạnh thực tế, nhiều người cho rằng tiêm truyền bù dịch giúp cơ thể khỏe lên nên không đi khám, trong khi bệnh đang âm thầm tiến triển. Việc tự ý truyền nước có thể khiến bệnh nặng lên, nguy cơ tai biến do bỏ lỡ thời gian vàng. Ngoài ra, khi truyền dịch tại nhà, điều kiện cấp cứu không thể tốt và đầy đủ như ở các cơ sở y tế, người bệnh không được xử trí kịp thời, nguy cơ tử vong cao hơn.

Các bác sĩ khuyến cáo chỉ nên truyền dịch khi sốt quá cao, nôn quá nhiều gây mất nước, hoặc bệnh nhân bị tiêu chảy, tụt huyết áp..., không thể ăn uống. Trước truyền, bệnh nhân cần xét nghiệm cẩn thận. Những người mắc bệnh nhẹ chỉ bổ sung nước bằng đường uống, dinh dưỡng, tập luyện để tăng đề kháng.

Nếu cơ thể có biểu hiện bất thường như rét run, khó thở, phù chỗ tiêm... khi truyền dịch, người bệnh phải báo ngay nhân viên y tế để kịp thời xử trí. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc hoặc mời người về nhà truyền dịch khi chưa được khám, xét nghiệm và chỉ định từ bác sĩ.

Thùy An

*Tên nhân vật được thay đổi

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022