Câu chuyện 13 năm tìm con của gia đình anh Cầu được đại diện Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội chia sẻ ngày 26/5. Anh Cầu và chị Thắm kết hôn năm 2009, mong ngóng mãi không có tin vui, dù thử qua nhiều phương pháp đông y. Năm 2011, họ đi khám sức khỏe sinh sản để tìm nguyên nhân, kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ phát hiện anh Cầu không có tinh trùng, chẩn đoán vô sinh nam.
"Tôi suy sụp tinh thần, luôn trách bản thân và nhiều lần khuyên vợ dừng cuộc hôn nhân để vợ có thể tìm một hạnh phúc trọn vẹn", người chồng bộc bạch. Chị Thắm không đồng ý, ngược lại, luôn ở bên cạnh động viên chồng, chờ đợi một "phép màu".
Tuy nhiên, đến năm 2016, sau 7 năm chịu áp lực từ xã hội và những bế tắc trong tâm lý, cả hai quyết tâm ly hôn, chọn một hướng đi riêng dù vẫn còn rất yêu thương nhau. Tưởng như tất cả đã chấm dứt, song ba năm sau, một cuộc gặp tình cờ tại TP HCM đã khiến anh Cầu và chị Thắm quyết định quay lại bên nhau, tiếp tục nuôi hy vọng.
Đến bệnh viện thăm khám, kết quả vẫn cho thấy anh Cầu bị vô tinh. Tuy nhiên lần này, bác sĩ giải thích rằng vẫn có thể tìm tinh trùng nhờ phương pháp chọc hút từ mào tinh qua da (PESA), kết hợp với noãn của vợ để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Để thực hiện, anh chị cần giấy đăng ký kết hôn hợp pháp.
"Tia hy vọng bừng sáng, chúng tôi chuẩn bị sức khỏe cho hành trình phía trước", người chồng nói.

Vợ chồng anh Cầu, chị Thắm hạnh phúc ôm con trong lần trở lại viện. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Vô tinh là tình trạng không có tinh trùng trong tinh dịch khi xuất tinh, bao gồm vô tinh không bế tắc (NOA) và vô tinh bế tắc (OA).
Vô tinh không bế tắc gồm các trường hợp vô sinh do nguyên nhân trước tinh hoàn như bất thường về nội tiết ảnh hưởng đến sự sinh tinh; hoặc nguyên nhân tại tinh hoàn do những bệnh lý, chấn thương, viêm nhiễm gây ảnh hưởng đến sự sinh tinh của tinh hoàn. Vô tinh bế tắc gồm các trường hợp vô sinh do nguyên nhân sau tinh hoàn liên quan đến sự tắc nghẽn bẩm sinh hoặc mắc phải của hệ thống ống dẫn tinh, hoặc ống phóng tinh.
Thủ thuật PESA là phương pháp thu tinh trùng đơn giản, có thể thực hiện được nhiều lần, ít đau, hạn chế xâm lấn, bảo tồn được khả năng tình dục sau thủ thuật. Chỉ cần một chiếc kim nhỏ, xuyên qua da bìu vào thẳng mào tinh, bác sĩ có thể hút dịch chứa tinh trùng bên trong ra ngoài mà không cần phẫu thuật mở màng tinh hoàn và bộc lộ mào tinh.
Tháng 4/2022, khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, anh chị trở về Hà Nội, một lần nữa ký vào giấy đăng ký kết hôn trước sự bất ngờ của người thân. Bằng kỹ thuật PESA, anh Cầu tìm được rất nhiều tinh trùng, kết hợp với trứng của người vợ tạo thành phôi. Năm 2023, sau hai lần chuyển phôi, họ chính thức chạm tay tới thiên chức làm cha mẹ. Bé trai kháu khỉnh chào đời, khép lại hành trình 13 năm hiếm muộn.
Bác sĩ Lê Thị Thu Hiền, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện, nhìn nhận hành trình tìm con của những gia đình hiếm muộn là vô cùng gian nan, không ít cặp vợ chồng hiếm muộn đã phải tạm dừng quá trình điều trị vì áp lực tài chính cũng như những áp lực tâm lý đè nặng.
"Mỗi gia đình đều là một hành trình đặc biệt. Khi nhìn thấy các em bé khỏe mạnh trong tay cha mẹ, chúng tôi như được tiếp thêm động lực tạo ra phép màu cho nhiều gia đình", bác sĩ nói.
Thúy Quỳnh