Theo truyền thông Trung Quốc đưa tin, một người đàn ông 27 tuổi ở Trùng Khánh (Trung Quốc) có dáng vẻ gầy gò, thường xuyên bị đau thắt lưng trong hơn một năm và rất khó chịu. Triệu chứng phổ biến nhất anh gặp phải là cảm giác đau rõ ràng ở cột sống, hai bên gai và nửa đốt sống của cột sống thắt lưng. Sau đó, anh đến Bệnh viện Nhân dân quận Yubei ở Trùng Khánh để khám.
Bác sĩ Tú Lăng Linh, người khám cho anh, cảm thấy tình hình bất thường và sắp xếp cho bệnh nhân kiểm tra mật độ xương. Hóa ra mật độ xương của anh đã đạt đến mức loãng xương nghiêm trọng, thậm chí còn không tốt bằng một người 70 tuổi. Ngay cả các bác sĩ cũng phải ngạc nhiên bởi hiếm khi bệnh loãng xương nghiêm trọng này xảy ra ở một người đàn ông 27 tuổi.

Sau khi tìm hiểu, bác sĩ phát hiện ra, nguyên nhân dẫn đến tình trạng loãng xương nghiêm trọng của nam thanh niên này là do 4 thói quen hàng ngày của anh, bao gồm: (1) Thường xuyên hút thuốc lá, có khi 1-2 gói mỗi ngày; (2) uống nhiều đồ uống có ga; (3) Thường xuyên thức khuya và (4) lười tập thể dục.
Bác sĩ Tú cho biết, nhiều người cho rằng loãng xương là căn bệnh dành riêng cho người trung niên và người cao tuổi, nhưng trên thực tế, những người trẻ có thói quen sinh hoạt kém như bệnh nhân này cũng có thể bị loãng xương.

Dấu hiệu nhận biết loãng xương: Khi cơ thể âm thầm lên tiếng
Loãng xương có thể âm thầm phát triển trong nhiều năm trước khi gây ra hậu quả. Việc nhận diện sớm các dấu hiệu, tầm soát định kỳ và bổ sung dinh dưỡng đúng cách có thể giúp giảm thiểu nguy cơ. Đừng để đến khi gãy xương mới nhận ra mình đã quá muộn để phòng ngừa. Nếu thường xuyên gặp các dấu hiệu sau đây, rất có thể bạn đang bị loãng xương.
Ngày nào cũng uống cà phê để tỉnh táo, cô gái 24 tuổi không ngờ bị thủng ruột, suýt mất mạng vì 1 sai lầmĐọc ngay
Đau lưng mạn tính, đặc biệt vùng cột sống thắt lưng
Đây là một trong những dấu hiệu sớm nhưng dễ bị bỏ qua. Đau lưng có thể do xẹp các đốt sống – biểu hiện của loãng xương nặng. Theo Cleveland Clinic, xẹp lún thân đốt sống là nguyên nhân thường gặp nhất gây đau lưng ở người cao tuổi bị loãng xương.
Giảm chiều cao
Sự sụt giảm chiều cao trên 2cm trong một năm hoặc trên 4cm so với chiều cao lúc trẻ có thể là dấu hiệu loãng xương. Mayo Clinic ghi nhận, hiện tượng này thường do xương cột sống bị nén lại theo thời gian.

Dáng người khom, gù lưng
Khi đốt sống lưng yếu và xẹp, tư thế đứng thẳng trở nên khó khăn. Người bệnh có xu hướng gù lưng - dowager's hump (Gù Dowager, hay còn gọi là kyphosis, theo cách gọi trong cộng đồng y khoa, là một chỗ cong tròn ở gốc cổ, nơi nó gặp đỉnh lưng của bạn. Bạn cũng có thể nghĩ về nó như một độ cong quá mức của cột sống trên). Đây là dấu hiệu muộn nhưng điển hình của loãng xương nặng.
Gãy xương dễ dàng
Một cú ngã nhẹ, thậm chí chỉ là vặn mình sai tư thế cũng có thể gây gãy xương, đặc biệt ở cổ tay, xương hông hoặc cột sống. Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy mật độ xương đã giảm nghiêm trọng.
Theo National Osteoporosis Foundation (Mỹ), khoảng 1/2 phụ nữ và 1/4 nam giới trên 50 tuổi sẽ bị gãy xương do loãng xương trong đời.
Móng tay giòn, yếu
Tuy không phải dấu hiệu đặc hiệu, nhưng móng tay dễ gãy, mềm có thể liên quan đến tình trạng mất khoáng chất của cơ thể, bao gồm canxi và vitamin D – hai thành phần then chốt của cấu trúc xương.

Khi nào nên tầm soát loãng xương?
Theo khuyến nghị của Hiệp hội Nội tiết Hoa Kỳ (Endocrine Society), người thuộc những nhóm đối tượng sau nên tầm soát loãng xương hàng năm:
- Phụ nữ ≥ 65 tuổi hoặc < 65 nhưng có yếu tố nguy cơ
- Nam giới ≥ 70 tuổi hoặc có yếu tố nguy cơ
- Người có tiền sử gãy xương, dùng thuốc gây mất xương
Phương pháp chuẩn để đo mật độ xương là DEXA scan (đo hấp thụ tia X năng lượng kép).