Người đàn ông 38 tuổi, có thói quen ôm thú cưng ngủ, bị ngứa 10 năm, uống thuốc chữa dị ứng không khỏi. Khi đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, cơ thể anh có nhiều mảng da trầy xước, nhiễm trùng. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy bệnh nhân nhiễm giun đũa chó mèo, kèm theo các triệu chứng dị ứng trên da. Bác sĩ dùng thuốc điều trị đặc hiệu để giảm sự phát triển của ấu trùng và ngứa. Sức khỏe người bệnh sau đó ổn định.

Trường hợp khác là bé trai 8 tuổi được đưa vào Trung tâm Sản nhi, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cấp cứu do sốt cao, đau đầu âm ỉ. Kết quả chụp cộng hưởng từ sọ não và chọc dịch não tủy, xét nghiệm máu, cho thấy tình trạng tăng bạch cầu ái toan, dương tính với giun đũa chó mèo (toxocara).

Bác sĩ Đào Thị Loan, Trung tâm Sản Nhi, cho biết bé bị viêm não tăng bạch cầu ái toan do nhiễm giun đũa chó mèo, điều trị bằng kháng sinh kết hợp thuốc tẩy giun.

Viêm màng não tăng bạch cầu ái toan do nhiễm giun đũa chó mèo là bệnh lý hiếm gặp, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều di chứng thần kinh nặng nề và có thể gây tử vong.

Hàng nghìn người nhập viện mỗi năm do nhiễm giun đũa chó mèo, tiến sĩ Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét, ký sinh trùng, côn trùng Trung ương, nói ngày 27/3. Bệnh viện Đặng Văn Ngữ là cơ sở chuyên khoa điều trị về bệnh ký sinh trùng côn trùng tiếp nhận 15.527 ca trong năm 2023. Còn cả nước ghi nhận khoảng 30.000 người nhiễm bệnh trên.

"Các ca nhiễm giun đũa chó mèo đang bùng nổ, nguyên nhân là người bệnh thường xuyên ôm ấp, ngủ cùng thú cưng hoặc quá trình ăn uống, vệ sinh cá nhân không đảm bảo", ông Cảnh nói.

Ấu trùng giun đũa chó mèo đặc biệt gây ngứa ở da, khiến nhiều người nhầm lẫn với các bệnh da liễu, dị ứng. Người bệnh ngứa dữ dội, tổn thương, nhiễm trùng trên da nhiều năm, điều trị nhiều nơi nhưng bệnh không khỏi.

8593f329fca920f779b8-168137571-5959-3549-1711605599.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=z3nhsMCozjFrjLiyHNwslA

Da một bệnh nhân trầy xước, nhiều nốt ngoằn ngoèo dưới da do nhiễm ký sinh trùng. Ảnh: Phương Thảo

Giun đũa chó mèo (Toxocara) là loại ký sinh trùng ở chó mèo. Trứng giun thường có trong đất hoặc nước bị nhiễm phân chó mèo. Thông thường, trứng giun đũa trong cơ thể thú cưng theo phân ra ngoài môi trường, 1-2 tuần sau sẽ hóa phôi. Đây là giai đoạn trứng giun đũa xâm nhập gây bệnh cho người. Trẻ em dễ nhiễm giun sán do thói quen đùa nghịch với đất cát, là nơi phát tán trứng giun do đặc tính phóng uế của chó, mèo.

Trường hợp khác có thể do ôm ấp thú cưng, hoặc ăn uống, vệ sinh cá nhân không đảm bảo, trứng giun đũa chó mèo phát triển thành ấu trùng và di chuyển khắp cơ thể người. Ấu trùng di chuyển qua niêm mạc ruột vào tuần hoàn máu đến hệ thần kinh trung ương như não, tủy sống và rễ dây thần kinh, gây viêm não, màng não.

Bác sĩ khuyến cáo các gia đình vệ sinh môi trường, khu vực trong nhà, không cho trẻ em chơi ở những nơi có phân chó mèo, vệ sinh tay sạch sẽ trước khi ăn, ăn chín uống sôi. Tẩy giun định kỳ cho vật nuôi.

Thúy Quỳnh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022