Trưa 8/11, một ngày sau khi Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho phép Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K dừng tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33, thực hiện tự chủ theo Nghị định 60, PGS.TS Đào Xuân Cơ - Giám đốc Bạch Mai, cho rằng đây là quyết định rất hợp lý bởi đơn vị đang thiếu thốn trầm trọng sau hai năm thí điểm tự chủ toàn diện.
Bạch Mai là bệnh viện tuyến cuối tại miền Bắc và là một trong 4 bệnh viện cả nước thí điểm tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33 (nhóm một). Ba bệnh viện còn lại là Chợ Rẫy, Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện K. Bệnh viện Bạch Mai thực hiện tự chủ tài chính toàn diện từ đầu năm 2020, song dịch Covid-19 bùng phát khiến bệnh viện bị phong tỏa từ cuối tháng 3 cùng năm. Trong suốt hai năm đại dịch vừa qua, bệnh viện hỗ trợ chống dịch trên khắp cả nước. Số lượng người bệnh đến khám giảm mạnh do dịch bệnh, nguồn thu sụt giảm 50%.
Bệnh viện còn liên quan đến một số vụ án, đặc biệt là quá trình liên doanh, liên kết lắp đặt 11 máy (gồm hệ thống chụp cắt lớp, robot phẫu thuật, máy nội soi...) bị xác định có dấu hiệu phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; vụ án cựu giám đốc nâng khống giá thiết bị y tế. Do đó nhiều máy móc thiết bị hiện đại, đắt tiền bị niêm phong phục vụ điều tra.
Hồi tháng 8, Bạch Mai xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33 của Chính phủ, chuyển sang thực hiện tự chủ theo Nghị định 60, tức chỉ tự chủ chi thường xuyên.
Nghị định 60 chia các bệnh viện thành 4 nhóm tự chủ, gồm: nhóm một tự chủ toàn diện; nhóm hai tự chủ chi thường xuyên; nhóm ba tự chủ một phần chi thường xuyên; nhóm bốn nhà nước đảm bảo 100% chi thường xuyên. Ông Cơ cho rằng Nghị định 60 rất linh hoạt, cho phép đơn vị sự nghiệp công lập xem xét thực hiện theo nhóm nào và Bạch Mai đang trình xin hoạt động theo nhóm hai "tự chủ chi thường xuyên thôi".
Giải thích rõ hơn, ông nói rằng tự chủ theo nhóm hai, bệnh viện chỉ chi thường xuyên và vẫn được hỗ trợ xây dựng cơ bản, sửa chữa, mau sắm các thiết bị, điều mà Bạch Mai trong giai đoạn này khó lòng thực hiện được do tài chính ít.
Theo ông Cơ, 10 năm trước Bạch Mai tự hào về trang thiết bị, máy móc phục vụ cho chẩn đoán hình ảnh, ung bướu và y học hạt nhân; là bệnh viện đầu tiên ở Đông Nam Á có máy chụp 256 dãy. Ngoài thu bảo hiểm y tế, đơn vị còn thu thêm thiết bị liên doanh liên kết, có nguồn tài chính tốt, đảm bảo chi thường xuyên, đời sống cán bộ nhân viên ổn định, an tâm công tác.
Hiện, bệnh viện thiếu trang thiết bị trầm trọng. Nhiều máy móc thiết bị, đặc biệt là máy phục vụ cho hệ thống chẩn đoán điều trị ung bướu và y học hạt nhân như máy Pet CT, cộng hưởng từ, xạ phẫu; máy hiện đại phục vụ phẫu thuật như thiết bị vi phẫu, robot... phải lưu kho hai năm nay vì được xem là tang vật của vụ án. Bệnh nhân đến khám không có thiết bị điều trị, bệnh viện phải chuyển một lượng lớn người bệnh đến bệnh viện khác để chụp Pet, xạ trị...
"Hồi xưa tự hào bao nhiêu, giờ về con số 0 tròn trĩnh. Còn các thiết bị đang đắp chiếu là một cỗ tiền rất lớn, các doanh nghiệp cũng thắc mắc về sự phí phạm vô lý này'", ông Cơ nói. Bệnh viện được Cơ quan điều tra Bộ Công an hướng dẫn phối hợp các bộ ngành để đưa các máy này vào sử dụng. Tuy nhiên, đơn vị gửi văn bản gửi đến Bộ Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH)..., đến nay vẫn chưa được trả lời hoặc hướng dẫn đưa các thiết bị này vào sử dụng để tránh lãng phí.
Một ngày bệnh viện có 1.000 bệnh nhân được chỉ định nội soi tiêu hóa nhưng không thực hiện hết được mà chỉ được một nửa, do thiết bị xuống cấp. Lĩnh vực tim mạch, hệ thống phẫu thuật nội soi, robot trong phẫu thuật thần kinh, cột sống, máy robot Rosa... hiện tại cũng không hoạt động do liên quan đến vật tư kèm theo. Kính hiển vi, dàn máy nội soi không có để phục vụ cho phẫu thuật thần kinh.
Bạch Mai còn một ít thiết bị, hiện tích cực mua sắm nhưng nguồn tài chính không cho phép, cần hàng nghìn tỷ đồng song không có tiền để mua. 95% máy xét nghiệm trong bệnh viện là máy đặt, máy mượn, sau khi trúng thầu hóa chất, thời gian qua BHXH không cho phép dùng dịch vụ chẩn đoán trên loại máy này, gây khó khăn cho bệnh viện trong chẩn đoán điều trị bệnh nhân. Hai ngày trước, nghị quyết mới của Chính phủ ban hành đã tháo gỡ vướng mắc này, hiệu lực trong một năm.
"Bệnh viện đang nghiên cứu, hết một năm sẽ tính đến mua sắm tiếp hoặc cần cơ chế thuê khoán, nhưng phải có văn bản hướng dẫn không thì các bệnh viện lâm vào cảnh tắc. Nếu không có cơ chế, Chợ Rẫy và Bạch Mai sẽ là hai bệnh viện đầu tiên đóng cửa", ông Cơ cho biết.
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, ngày 8/11. Ảnh: Ngọc Thành
Thời gian qua, 11 trong số 27 đề án tại Bạch Mai được thanh tra Chính phủ kiểm tra phát hiện có vi phạm. Một loạt dự án liên doanh liên kết không tiếp tục được nữa, chỉ còn một vài đề án thực hiện trong những tháng cuối cùng của hợp đồng.
Theo ông Cơ, việc dừng liên doanh liên kết là nguyên nhân hàng đầu khiến bệnh viện giảm thu chi, ảnh hưởng đến thu nhập người lao động. Trong khi đó, trang thiết bị thiếu, bệnh viện thay đổi ca kíp, sáng sớm phải chụp chiếu cho người bệnh ngoại trú, buổi chiều và đêm dành cho bệnh nhân nội trú. Bác sĩ đi sớm về khuya, kể cả cuối tuần, nhưng không có tiền tăng thêm, nhân viên không an tâm làm việc. Thu nhập tăng thêm chỉ bằng 1/3, 1/5 những năm trước. Ví dụ trước đó họ được 10 triệu đồng thu nhập tăng thêm, nay chỉ hai triệu.
"Nhân viên bệnh viện nhắn tin cho tôi: 'Anh ơi, anh bắt em đi làm sáng sớm đến khuya mới về, giờ em không có tiền nộp cho con học tiếng Anh. Em xin làm đúng giờ, còn lại ở nhà dạy tiếng Anh. Trước đây làm tăng giờ, em có tiền thuê giáo viên đến nhà dạy, nay không có'", ông Cơ chia sẻ.
Thu nhập giảm tạo nên làn sóng nhân viên y tế sang các nơi khác làm việc. Một bệnh viện tư nhân đón rất nhiều bác sĩ của Bạch Mai sang, lương có thể 200-300 triệu đồng một tháng, còn được sử dụng các trang thiết bị hiện đại nhất.
Từ đầu năm đến nay có hơn 100 cán bộ giỏi xin rời chuyển mặc dù ban lãnh đạo bệnh viện động viên ở lại. Bệnh viện có tuyển được các cán bộ trẻ về, nhưng để có cán bộ giỏi cần hàng chục năm đào tạo. Việc này tạo lỗ hổng về nhân lực.
"Sau này điều kiện, cơ sở hạ tầng tốt, có văn bản pháp quy rõ ràng thì sẽ nghĩ đến tự chủ toàn diện, phải có lộ trình", ông Cơ nói và thêm rằng đang chờ đợi Luật Khám chữa bệnh mới để các bệnh viện hoạt động bám sát luật pháp. Có như vậy hệ thống y tế mới vững chắc, phát triển.
Như ở Singapore, bên cạnh hệ thống tư nhân rất phát triển vẫn có hệ thống y tế nhà nước làm công tác an sinh xã hội. Theo ông Cơ, các bệnh viện lớn như Việt Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy, K, là viện đầu ngành, dù tự chủ thế nào vẫn nên được nhà nước đầu tư một nguồn lực thích đáng để đảm bảo hoạt động.
Lê Nga