Việc xác định đột biến gene EGFR (thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu bì) của các bệnh nhân UTPKTBN giúp bác sĩ xác định các phương pháp điều trị phù hợp. Vì vậy, các chuyên gia khuyến nghị sử dụng EGFR như một dấu ấn sinh học lý tưởng để dẫn dắt cho phác đồ điều trị ung thư phổi.

Đây là kết quả nghiên cứu mới, được đăng tải trên Tạp chí Ung thư lồng ngực - Journal of Thoracic Oncology, ngày 14/12.

Theo các nhà khoa học, bệnh nhân châu Á chiếm khoảng 60% tổng số ca ung thư phổi trên toàn thế giới. Trong đó, riêng Việt Nam có hơn 26.000 ca được chẩn đoán mới mỗi năm. Tuy nhiên, các hình thức chẩn đoán, phác đồ điều trị ung thư trong nước và khu vực đang được thực hiện theo hình mẫu của Mỹ và châu Âu, nơi bệnh nhân và bệnh lý có những điểm khác biệt.

Tỷ lệ tử vong do ung thư phổi có chiều hướng giảm nhẹ tại các nước phương Tây, nhưng tăng ở châu Á trong suốt hai thập kỷ qua. Các chuyên gia tin rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tử vong cao do ung thư ở những quốc gia châu Á có thu nhập thấp và trung bình. Một trong số đó là bệnh nhân chưa được tiếp cận những phương pháp điều trị phù hợp.

Nghiên cứu mới cho thấy cần thay đổi hình thức chẩn đoán, điều trị bệnh ung thư phổi UTPKTBN tại Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung, theo các chuyên gia.

Điển hình, tỷ lệ đột biến gene EGFR ở bệnh nhân châu Á cao hơn hẳn so với các khu vực còn lại. Dù hút thuốc lá được xem là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ung thư phổi, nhiều bệnh nhân tại châu Á mắc bệnh ở độ tuổi trẻ lại chưa từng hút thuốc. Theo nghiên cứu, bệnh nhân mắc ung thư phổi mà không hút thuốc lá có xu hướng xuất hiện đột biến gene EGFR cao hơn.

lung-cancer-jpeg-1671007805-2946-1671007923.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Vv1Ck8pmIIRrEURGCGoZgg

Minh họa khối u ung thư phổi phát triển trong lồng ngực của bệnh nhân. Ảnh: Medical News Today

Theo TS. BS Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP HCM, khoảng 15% bệnh nhân ung thư phổi tại Việt Nam sống sót sau 5 năm. Để hướng tới mục tiêu giảm tử vong vì ung thư phổi tại Việt Nam, việc xét nghiệm đột biến gene hay dấu ấn sinh học là rất cần thiết, ở cả giai đoạn muộn và sớm của bệnh.

"Điều này giúp bác sĩ hiểu rõ đặc điểm của bệnh nhân và đưa ra phác đồ điều trị thích hợp, từ đó cải thiện đáng kể hiệu quả điều trị và giúp giảm bớt gánh nặng cho hệ thống y tế", bác sĩ Thịnh nói.

Giáo sư Tetsuya Mitsudomi, Trung tâm Liên minh Nghiên cứu Toàn cầu và Phẫu thuật Lồng ngực, Bệnh viện Kindai, Nhật Bản, cho biết: "Xét nghiệm dấu ấn sinh học định kỳ cho tất cả bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ ở châu Á có thể giúp cải thiện kết quả chẩn đoán, giảm thiểu các quy trình không cần thiết và đảm bảo lựa chọn phác đồ điều trị có lợi nhất cho từng bệnh nhân, từ đó mang lại kết quả tốt nhất cho họ".

Thục Linh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022