Ngày 5/10, TS.BS Alain Patrice Lebon, Khoa Tim mạch và Tim mạch can thiệp, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, cho biết rối loạn nhịp tim xảy ra khi có bất thường trong quá trình tạo nhịp và dẫn truyền xung điện trong các buồng tim khiến tim đập nhanh hơn, chậm hơn, không đều hoặc mất nhịp sinh lý.

Rối loạn nhịp tim là bệnh lý khá phổ biến, xảy ra ở mọi lứa tuổi, giới tính với nhiều hình thái khác nhau. Có 4 rối loạn nhịp tim thường gặp nhất gồm ngoại tâm thu, rung nhĩ, block nhĩ thất và nhịp nhanh thất, tiềm ẩn nguy cơ cao gây đột tử.

Điều trị nhóm bệnh lý này, người bệnh có thể được dùng thuốc chống loạn nhịp, triệt đốt (hay gọi tắt là đốt điện) vị trí gây loạn nhịp, cấy máy tạo nhịp hoặc phẫu thuật. Trong đó, triệt đốt qua ống thông là phương pháp có nhiều ưu điểm, giúp người bệnh điều trị triệt để, an toàn.

Triệt đốt qua ống thông là phương pháp can thiệp tối thiểu. Ống thông được đưa vào buồng tim, tiếp cận vị trí cơ tim gây rối loạn nhịp tim. Năng lượng tần số radio tại đầu ống thông sẽ tạo tổn thương nhiệt phá hủy mô tim gây bệnh.

Bác sĩ đánh giá phương pháp này có tính an toàn cao do nhiệt lượng tạo ra bằng năng lượng cao tần ở đầu ống thông đốt có thể lan dần theo chiều sâu toàn bộ bề dày của tim. Đặc biệt, dưới sự hỗ trợ của hệ thống lập bản đồ 3D, bác sĩ có thể quan sát được chi tiết chính xác tới từng milimet, giúp dễ dàng kiểm soát mức độ tổn thương, giảm diện tích tác động và nguy cơ biến chứng.

1-1728089313-7544-1728089334.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=UYMEPqQadBKdU5D-r37s0A

Bác sĩ thực hiện triệt đốt qua ống thông sử dụng hệ thống lập bản đồ 3D cho bệnh nhân rối loạn nhịp. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Trước đây, can thiệp thường được chỉ định khi điều trị nội khoa không còn hiệu quả hoặc bệnh nhân gặp tác dụng phụ của thuốc. Tuy nhiên, nay bác sĩ có thể chỉ định can thiệp ngay từ đầu dựa trên sự cân nhắc về lợi ích của phương pháp và rủi ro có thể có cho bệnh nhân. Theo khuyến cáo từ Hiệp hội Nhịp tim châu Âu, triệt đốt được chỉ định ngay từ đầu cho bệnh nhân cuồng nhĩ từ năm 2004, cho bệnh Bouveret từ năm 2017 và cho bệnh rung nhĩ từ năm nay.

"Mức độ an toàn của phương pháp triệt đốt qua ống thông đang ngày càng được nâng cao. Hiện nay, tùy theo loại rối loạn nhịp, biến chứng thấp hơn 5% tổng số các ca can thiệp", TS.BS. Alain Lebon nói.

Theo bác sĩ, biến chứng thường gặp nhất trong số các biến chứng có thể gặp phải là chảy máu từ mạch máu ở đùi. Để ngăn chặn biến chứng này, bác sĩ sẽ chọc tĩnh mạch, đưa ống thông vào buồng tim dưới hướng dẫn siêu âm. Ngoài ra, bản đồ điện sinh lý 3D cho phép xác định khu vực dễ tổn thương, lực tại đầu ống thông được kiểm soát trong thời gian thực. Nhờ vậy, bác sĩ có thể đảm bảo ống thông tiếp xúc vừa đủ với mô để tạo ra tổn thương đốt mà không gây biến chứng. Siêu âm tim qua thực quản cũng làm giảm nguy cơ tràn dịch ở các bước nguy hiểm nhất khi vị trí can thiệp đốt ở bên trái của tim.

Như vậy, hiện bệnh nhân rối loạn nhịp tim có cơ hội khỏi bệnh triệt để, ít biến chứng nhờ phương pháp triệt đốt. Tuy nhiên, các phương pháp can thiệp cần được thực hiện tại các cơ sở chuyên khoa với các bác sĩ nhiều kinh nghiệm để đảm bảo an toàn.

Để ngăn ngừa bệnh, mọi người nên kiểm tra sức khỏe định kỳ, tầm soát tim mạch 6 tháng hoặc ít nhất một năm/lần để phát hiện sớm các nguy cơ tiềm ẩn. Bệnh nhân đi khám ngay khi có các dấu hiệu bất thường như hồi hộp, đánh trống ngực, khó thở, hụt hơi, ngất...

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022