Thông tin được bà Trần Thị Trang, Quyền Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế), cho biết tại Tọa đàm chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) bổ sung trong dự án luật BHYT sửa đổi, sáng 10/10. Đây là loại hình tự nguyện, chi trả cho các chi phí y tế nằm ngoài phạm vi chi trả của BHYT cơ bản, theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.

Bà Trang cho biết phạm vi điều chỉnh của luật BHYT hiện hành mới chỉ có BHYT xã hội hay BHYT bắt buộc. Luật kinh doanh bảo hiểm vẫn còn khoảng trống như chưa có nội dung liên kết giữa BHYT thương mại và BHYT nói chung.

"Loại hình BHYT chúng ta đang thực hiện là chính sách BHYT xã hội, bảo hiểm bắt buộc, do nhà nước đảm bảo. Để hướng tới bảo phủ BHYT toàn dân, chúng tôi mong muốn phát triển thêm BHYT bổ sung, dự kiến đề xuất thực hiện liên kết giữa BHYT xã hội và cơ sở kinh doanh BHYT thương mại để người dân có thêm lựa chọn", bà Trang nói.

Gói BHYT bổ sung này là BHYT tự nguyện, người dân có mong muốn tham gia, trên cơ sở đã tham gia BHYT bắt buộc. Nó sẽ bao phủ chi trả giá trị tăng thêm như phần đồng chi trả, quyền lợi tăng thêm mà người bệnh có nhu cầu, dịch vụ tăng thêm so với các dịch vụ đang được BHYT cung cấp.

"Điểm ưu việt là Chính phủ sẽ quy định chi tiết phạm vi quyền lợi được hưởng, đảm bảo giám sát việc thực hiện gói BHYT bổ sung, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người tham gia", bà Trang nói, thêm rằng doanh nghiệp tham gia cung cấp gói bảo hiểm này không được lựa chọn đối tượng, không được có quy định loại trừ người bệnh, không chỉ chọn người khỏe ký hợp đồng mà là tất cả người bệnh có điều kiện, có nhu cầu.

Để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người bệnh, doanh nghiệp sử dụng kết quả giám định của cơ quan bảo hiểm xã hội để xác định chi phí phù hợp, đúng quy định. Đồng thời, cơ quan chức năng sẽ đề xuất cơ chế pháp lý rõ ràng để giám sát việc thực hiện BHYT bổ sung.

Về mức phí của gói BHYT bổ sung, bà Trang cho biết sẽ do phía đơn vị kinh doanh bảo hiểm quy định, tuy nhiên nhà nước sẽ quy định nguyên tắc xây dựng mức phí để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh, phạm vi chi trả không được trùng lắp với BHYT bắt buộc.

1-1696918546-1696918670-7586-1696918695.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=x8CqYlK0kYWU9yM9qo7wDQ

ThS Trần Thị Trang, Quyền Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế. Ảnh: Trần Minh

Tại toạ đàm, ThS Hoàng Anh Tuấn, Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), cũng cho biết thêm, mục đích của gói BHYT bổ sung là xây dựng các gói quyền lợi y tế ngoài phạm vi chi trả của BHYT. Mục tiêu là tăng quyền lợi, giảm chi tiền túi của người bệnh, để người bệnh tiếp cận dịch vụ tốt hơn, thậm chí có thể lựa chọn cơ sở cung cấp dịch vụ.

Phạm vi chi trả của gói không trùng lặp với phạm vi được hưởng và mức hưởng của BHYT bắt buộc. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân mua, hỗ trợ mua BHYT bổ sung, khuyến khích các tổ chức thực hiện BHYT bổ sung theo nguyên tắc phi lợi nhuận.

Hiện nay số tiền bệnh nhân đồng chi trả chiếm khoảng 9% tổng chi phí khám chữa bệnh BHYT. Cụ thể, dự kiến chi tiền túi khi đi khám chữa bệnh ngoại trú sẽ giảm 25% khi áp dụng hình thức BHYT tự nguyện. Mức giảm khi đi khám chữa bệnh nội trú sẽ là 41%. Như vậy, giảm tổng chi tiền túi sẽ là khoảng 20-31%.

BHYT bổ sung cũng giúp tăng tiếp cận dịch vụ y tế bao gồm cả dịch vụ theo yêu cầu, kỹ thuật cao (có mức đồng chi trả lớn), huy động thêm nguồn tài chính cho chăm sóc sức khỏe.

"Việc thực hiện gói BHYT bổ sung sẽ góp phần tăng số người tham gia BHYT bắt buộc, tăng số người tham gia BHYT bổ sung. Đồng thời, giảm mức chi tiền túi khi đi khám chữa bệnh BHYT", TS Nguyễn Khánh Phương, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách y tế, nói.

Lê Nga

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022