Các nữ sinh đang học tập tại trường St Theresa's Eregi, thị trấn cách Nairobi 374 km về phía tây bắc. Video lan truyền trên mạng cho thấy các học sinh đang cố gắng bước đi, song run rẩy, mất kiểm soát và cần được bạn bè bế, đỡ. Nhiều em nằm liệt giường, co giật tại bệnh viện.

Các bác sĩ hiện chưa rõ về nguyên nhân đợt bùng phát này. Họ đã gửi mẫu máu và nước tiểu của bệnh nhân đến phòng thí nghiệm.

Susan Nakhumicha, Bộ trưởng Y tế Kenya, cho biết hiện chưa xác định được mầm bệnh nào trong cộng đồng học sinh tại trường nữ sinh St Theresa's Eregi. Phát biểu trước các thành viên Ủy ban Đầu tư Công về Giáo dục và Quản trị Quốc hội, bà cho biết sẽ thực hiện thêm các xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây bệnh.

Nhiều nhà kinh doanh giáo dục phỏng đoán các em đang giả vờ bị ốm vì chỉ còn vài ngày nữa là đến kỳ thi, theo truyền thông địa phương. Trong khi đó, một số chuyên gia cho biết đây có thể là trường hợp "rối loạn phân ly tập thể" (mass hysteria).

Đây là hiện tượng người mất một phần hoặc hoàn toàn sự hợp nhất giữa trí nhớ quá khứ, ý thức, đặc tính cá nhân với những cảm giác trực tiếp và sự kiểm soát vận động. Rối loạn này gặp nhiều hơn ở trẻ em gái và phụ nữ trẻ. Bệnh thường xuất hiện sau những sang chấn tâm lý, các vấn đề khó khăn trong học tập, công việc, mối quan hệ mà người bệnh không thể giải quyết được.

mass-hysteria-nepal-jpeg-16966-3368-7939-1696676462.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=WhYSyV8OJtEif9ZPWqS_iQ

Minh họa hình ảnh học sinh bị rối loạn phân ly. Ảnh: Public Domain

Rối loạn phân ly tập thể là tình trạng xảy ra đồng loạt trong một nhóm hoặc một tập thể như trường học, đám đông. Khi một người trong nhóm có biểu hiện bệnh, những người còn lại có xu hướng "bị lan truyền". Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định rõ những tổn thương não bộ gây rối loạn phân ly và rối loạn phân ly tập thể.

Các triệu chứng của rối loạn phân ly rất đa dạng, xuất hiện và kết thúc đều đột ngột, thành từng cơn. Bệnh có khuynh hướng thuyên giảm sau vài tuần, vài tháng, nhưng có thể tái phát trong trường hợp vẫn còn các sự kiện gây sang chấn.

Người bệnh có thể có các rối loạn vận động như lắc đầu, gật đầu, co giật, múa vờn, run, tê liệt, vận động tay chân thiếu mục đích, rối loạn phát âm (không nói, khó nói, nói lắp, nói linh tinh không phù hợp). Bệnh nhân cũng thường kêu đau bụng, đau đầu, đau mỏi chân tay... nhưng không tìm được nguyên nhân gây đau. Có người cười, khóc, gào thét, ngất... mà không nhận thức được hành động của mình.

Rối loạn phân ly chủ yếu được điều trị bằng các liệu pháp tâm lý kết hợp với nâng cao thể trạng và bồi dưỡng nhân cách, thiết lập môi trường phù hợp. Quá trình này cần nhiều thời gian, đòi hỏi sự kiên trì của cán bộ y tế, gia đình và người bệnh.

Thục Linh (Theo Daily Mail)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022