Nghiên cứu công bố ngày 2/11, chỉ ra đặc điểm lây nhiễm mới của căn bệnh. Trước đây, các chuyên gia tin rằng chỉ người đã có biểu hiện bệnh như sốt, nổi mẩn, mụn nước mới có thể truyền virus. Dù vậy, bác sĩ vẫn sàng lọc và phát hiện một vài trường hợp mắc đậu mùa khỉ không triệu chứng.

Để tìm hiểu cơ chế lây truyền của bệnh, nhóm chuyên gia thuộc Cơ quan An ninh Y tế Anh đã sử dụng dữ liệu theo dõi, truy vết tiếp xúc hơn 2.700 người dân nước này kể từ tháng 5 đến tháng 8. Độ tuổi trung bình của họ là 38, 95% bệnh nhân là đồng tính nam, lưỡng tính hoặc từng có quan hệ tình dục đồng giới.

Các nhà khoa học đã phân tích "khoảng thời gian truyền bệnh", từ khi các triệu chứng ban đầu xuất hiện đến khi bệnh nhân lây nhiễm cho người khác. Họ cũng quan sát thời kỳ ủ bệnh, thời gian từ khi tiếp xúc virus đến lúc xuất hiện triệu chứng.

Sử dụng hai mô hình thống kê, họ nhận thấy khoảng thời gian truyền bệnh ngắn hơi thời gian ủ bệnh. Điều này cho thấy nhiều bệnh nhân lây lan virus trước khi biểu hiện triệu chứng. Các chuyên gia cho biết có tới 53% người bệnh truyền virus trước khi các triệu chứng bắt đầu.

Nghiên cứu đặt ra câu hỏi về việc giải quyết bệnh đậu mùa khỉ trên khắp thế giới. Họ nghi vấn liệu việc cách ly người bệnh khi triệu chứng đã xuất hiện có đủ để ngăn chặn virus lây lan hay không.

qp6u7wtbo5o7tmiizcvfee5jx4-jpe-4737-4001-1667442303.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=LMZoxRhtkqxe1zyKClKyhw

Minh họa ống nghiệm có nhãn dương tính với đậu mùa khỉ, ngày 24/5. Ảnh: Reuters

Nhiều quốc gia đã tiêm vaccine đậu mùa khỉ cho nhóm dân số có nguy cơ cao để hạn chế sự bùng phát, song số người tiêm chưa nhiều. Vaccine cũng chưa được triển khai ở châu Phi.

Đậu mùa khỉ là một căn bệnh do virus gây nên, trước đây chủ yếu lưu hành tại các nước Tây và Trung Phi. Kể từ tháng 5, dịch bùng phát trên khắp thế giới, tại hàng chục quốc gia nơi nó chưa từng xuất hiện. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, thế giới có gần 78.000 ca nhiễm đậu mùa khỉ, 38 ca tử vong.

Thục Linh (Theo Reuters)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022