Mới đây, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã ban hành Công văn số 1254/QLD-MP ngày 6/5/2025 về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy sản phẩm dầu gội Hanayuki Shampoo (chai 300 gam). Cụ thể, trước đó, Viện Kiểm nghiệm thuốc TPHCM lấy mẫu lô sản phẩm Hanayuki - chai 300 gam để kiểm tra chất lượng, phát hiện mẫu thử không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu giới hạn vi sinh vật. Cùng đó, mẫu cũng chứa 2-Phenoxyethanol không có trong thành phần công thức sản phẩm đã được cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.

Theo Cục Quản lý dược, lô sản phẩm Hanayuki Shampoo - Chai 300 gam, trên nhãn ghi Số tiếp nhận PCB: 780/24/CBMP-ĐN; Số lô: 0010125; NSX: 050125; HD: 040127; tổ chức chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường: Công ty TNHH thương mại dịch vụ VB Group (có địa chỉ tại tầng lửng cao ốc Đại Thanh Bình số 911-913-915-917 Nguyễn Trãi, phường 14, quận 5, TP. Hồ Chí Minh); Công ty cổ phần nhà máy y tế EBC Đồng Nai (Địa chỉ: Đường số 6, KCN Giang Điền, xã Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) sản xuất.
Dầu gội đầu Hanayuki - chai 300 gam được bán lẻ trên mạng với giá khoảng 190.000-250.000 đồng một chai.
Vụ việc thu hồi sản phẩm dầu gội Hanayuki Shampoo – Chai 300 gam đã thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận, đặc biệt khi sản phẩm này được quảng bá rầm rộ bởi ca sĩ Đoàn Di Băng. Sự việc không chỉ dừng lại ở vấn đề chất lượng sản phẩm mà còn đặt ra nhiều câu hỏi về trách nhiệm pháp lý trong quảng cáo và kinh doanh mỹ phẩm tại Việt Nam. Đây là những vi phạm nghiêm trọng về an toàn sử dụng cũng như quy trình công bố mỹ phẩm theo quy định.
2-Phenoxyethanol là chất gì? Quy định dùng 2-Phenoxyethanol trong hóa mỹ phẩm như thế nào?
2-Phenoxyethanol là một hợp chất hữu cơ thường được sử dụng trong ngành mỹ phẩm và dược phẩm với vai trò là chất bảo quản, có tác dụng chống lại vi khuẩn, nấm men và nấm mốc, từ đó giúp sản phẩm có thời hạn sử dụng lâu hơn.
2-Phenoxyethanol được sử dụng phổ biến trong các sản phẩm mỹ phẩm như kem dưỡng, serum, dầu gội, nước tẩy trang...; Các sản phẩm vệ sinh cá nhân. Trong dược phẩm, 2-Phenoxyethanol được dùng làm chất bảo quản trong vắc xin và thuốc nhỏ mắt.

Theo Phụ lục 6 Thông tư 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế (quy định về quản lý mỹ phẩm, được cập nhật từ hướng dẫn ASEAN và EU) thì 2-Phenoxyethanol được phép sử dụng trong mỹ phẩm với vai trò là chất bảo quản với nồng độ tối đa được phép: 1% (tính theo khối lượng sản phẩm cuối cùng) và phải được ghi đúng trên bảng thành phần công bố, tránh trường hợp không kê khai hoặc ghi sai công thức (như trong vụ Hanayuki).
Mặc dù 2-Phenoxyethanol an toàn khi dùng đúng nồng độ, nhưng nếu quá liều, dùng sai mục đích hoặc tích tụ lâu dài, có thể gây ra những nguy cơ sức khỏe như:
- Kích ứng da, mắt (đỏ, ngứa, nổi mẩn).
- Kích ứng đường hô hấp nếu hít phải lượng lớn.
- Gây rối loạn thần kinh trung ương, suy hô hấp (đặc biệt ở trẻ nhỏ) nếu sử dụng liều cao hoặc nuốt phải.
Một số nghiên cứu trên động vật chỉ ra khả năng ảnh hưởng đến gan và thận khi tiếp xúc lâu dài với liều cao. FDA (Mỹ) và Ủy ban Khoa học về An toàn Người tiêu dùng của EU (SCCS) đều đã đánh giá rằng chất này chỉ an toàn khi dùng đúng hàm lượng (≤1%) và cần ghi nhãn rõ ràng.
Những yếu tố vi phạm ở Hanayuki Shampoo

Sản phẩm dầu gội Hanayuki Shampoo chứa thành phần 2-Phenoxyethanol không có trong công thức đã công bố, nhưng lại có trong sản phẩm thực tế và vi phạm chỉ tiêu vi sinh vật, có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng, theo Thông tư số 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về quản lý mỹ phẩm.
Không những thế, Hanayuki Shampoo còn được quảng cáo là có tác dụng như "kích thích mọc tóc", "phục hồi tóc hư tổn", "giảm nấm da đầu"… nhưng không đưa ra chứng minh lâm sàng rõ ràng. Trong khi đó, theo Luật quảng cáo - Luật số 16/2012/QH13, mỹ phẩm không được phép quảng cáo có tác dụng điều trị bệnh - đây là ranh giới nghiêm ngặt giữa mỹ phẩm và thuốc/dược phẩm. Ngoài ra sản phẩm này còn được ca sĩ Đoàn Di Băng quảng cáo trên nền tảng MXH rằng đã được các chuyên gia hàng đầu trong ngành nghiên cứu và có nguồn gốc tự nhiên.
Không chỉ dừng lại ở việc vi phạm luật quảng cáo và quản lý mỹ phẩm, một vấn đề khác được nhắc đến ở đây là trách nhiệm của người nổi tiếng trong quảng cáo sản phẩm. Liên quan đến sản phẩm bị thu hồi này, ca sĩ Đoàn Di Băng từng tổ chức nhiều buổi livestream quảng bá cho dầu gội Hanayuki có nhiều chức năng như "giúp khử mùi hôi da đầu", "kích thích mọc tóc", "phục hồi tóc hư tổn", "sạch gàu, giảm nấm da đầu"...

Điều này đặt ra câu hỏi về trách nhiệm pháp lý và đạo đức của người nổi tiếng khi tham gia quảng cáo hoặc kinh doanh sản phẩm liên quan đến sức khỏe. Theo quy định của NĐ 38/2021/NĐ-CP, người quảng cáo sai sự thật cho sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... đều có thể bị xử phạt và chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả.
Việc thu hồi sản phẩm Hanayuki Shampoo là lời cảnh tỉnh cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng về tầm quan trọng của việc tuân thủ quy định pháp luật trong sản xuất, kinh doanh và quảng cáo mỹ phẩm. Đồng thời, nhấn mạnh vai trò của các cơ quan chức năng trong việc giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng.
Về phía người tiêu dùng, cần thận trọng khi lựa chọn và sử dụng các sản phẩm mỹ phẩm, đặc biệt là những sản phẩm được quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội. Nên kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, thành phần và công dụng được công bố chính thức. Tránh tin tưởng tuyệt đối vào các quảng cáo, đặc biệt là những quảng cáo sử dụng hình ảnh người nổi tiếng mà không có cơ sở khoa học rõ ràng.
Cục Quản lý Dược cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo rộng rãi đến các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn về việc ngừng ngay việc kinh doanh, sử dụng lô sản phẩm Hanayuki Shampoo - Chai 300 gam nêu trên; đồng thời yêu cầu các cơ sở trả lại sản phẩm cho nhà cung cấp. Sở Y tế cần tổ chức kiểm tra, giám sát việc thu hồi, tiêu hủy, xử lý nghiêm các đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, Cục yêu cầu Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh và Sở Y tế tỉnh Đồng Nai giám sát việc thực hiện thu hồi, tiêu hủy sản phẩm của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ VB Group và Công ty cổ phần nhà máy y tế EBC Đồng Nai; thu hồi số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm 780/24/CBMP-ĐN theo quy định tại điểm b, đ khoản 1 Điều 46 Thông tư số 06/2011/TT-BYT. Đồng thời, các Sở Y tế này cần kiểm tra việc tuân thủ quy định pháp luật về sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm tại hai công ty liên quan và xử lý vi phạm nếu có. Báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát phải được gửi về Cục Quản lý Dược trước ngày 23/6/2025.