Các chuyên gia cảnh báo một "đại dịch thầm lặng" đang dần hủy hoại cuộc sống của hàng triệu người Anh. Có tới 50% người dân Vương quốc Anh bị thiếu hụt vitamin B thiết yếu mà không hề hay biết. Tình trạng này nếu không được điều trị có thể dẫn đến mệt mỏi cực độ, trầm cảm, dị tật bẩm sinh, mất trí nhớ và thậm chí là ung thư.

Tiến sĩ Harry Jarrett (Trưởng bộ phận khoa học và nghiên cứu tại thương hiệu thực phẩm bổ sung Heights) cho biết: "Những chất dinh dưỡng này đóng một vai trò rất quan trọng trong các phản ứng khác nhau khắp cơ thể con người. Nếu không có chúng, cơ thể đơn giản là không thể hoạt động".

93645887-0-image-a-211735743501876-173790166411333090817.jpg
Vitamin B là một nhóm gồm 8 chất dinh dưỡng quan trọng, bao gồm: Thiamine (vitamin B1), Riboflavin (vitamin B2), Niacin (vitamin B3), Axit pantothenic (vitamin B5), Vitamin B6, Biotin (vitamin B7), Folate (vitamin B9 hoặc axit folic) và Vitamin B12.

Tổng hợp lại, chúng giúp cơ thể dự trữ, giải phóng năng lượng từ thức ăn, giữ cho hệ thần kinh khỏe mạnh, hình thành các tế bào hồng cầu và chăm sóc da, mắt. Tuy nhiên do thức ăn nhanh, sự phổ biến ngày càng tăng của chế độ ăn chay, khủng hoảng chi phí sinh hoạt, cuộc sống hiện đại bận rộn và không bổ sung đủ vitamin mà nhiều người trong chúng ta không nhận đủ lượng vitamin B cần thiết. Trên thực tế, số ca nhập viện do thiếu vitamin đã tăng lên đáng kể.

Các số liệu "rất đáng lo ngại" của Dịch vụ Y tế Quốc gia chính phủ Anh (NHS) cho thấy bệnh thiếu máu do vitamin B12 hoặc B9 (folate) đã dẫn đến 3.490 ca nhập viện trong giai đoạn 2023-2024, tăng 400% so với giai đoạn 1998-1999. Và số ca nhập viện do thiếu hụt vitamin B (ngoài folate) đã tăng 15% so với giai đoạn 2022-2023. Tiến sĩ Jarrett cho biết: "Các nghiên cứu gần đây cho thấy người dân Vương quốc Anh, cùng với nhiều quốc gia khác, đang bị thiếu hụt hoặc có mức độ dưới mức tối ưu của một số loại vitamin B này. Một mối quan tâm lớn hiện nay là riboflavin, hay còn gọi là vitamin B2".

supplements-vitamin-d-flaxseed-oil-962850960-173790153414399805162.jpg

Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ cho thấy 39% người trẻ tuổi và 29% người lớn tuổi bị thiếu hụt riboflavin. Một nghiên cứu tương tự, được trình bày tại Hội nghị Mùa đông của Hiệp hội Dinh dưỡng năm 2025, đã phát hiện ra con số này là 50% ở những người trưởng thành khỏe mạnh khác ở Vương quốc Anh, một con số "đáng kinh ngạc".

Riboflavin được tìm thấy trong các loại thực phẩm như sữa, trứng, nấm, sữa chua nguyên chất. Người lớn cần khoảng 1,2mg riboflavin mỗi ngày. Nó rất cần thiết cho việc sản xuất năng lượng vì giúp biến thức ăn thành nhiên liệu và đóng một vai trò quan trọng trong việc sản xuất sắt. Theo các nhà khoa học tại Đại học Ulster, nó thậm chí có thể làm giảm huyết áp ở những người có yếu tố nguy cơ di truyền về đột quỵ và chứng mất trí nhớ do mạch máu. Nhưng mọi thứ có thể trở nên rất tồi tệ khi chúng ta không nhận đủ riboflavin.

Tiến sĩ Jarrett nói: "Trong thời gian ngắn, thiếu hụt riboflavin, được gọi là ariboflavinosis, biểu hiện là viêm môi (vết loét quanh miệng), viêm lưỡi (lưỡi sưng, đau), sưng miệng và họng. Riboflavin cũng tương tác với sắt, điều này giải thích tại sao thiếu máu cũng có thể xuất hiện cùng với thiếu hụt riboflavin". 

Ông nói thêm: "Về lâu dài, nếu tình trạng thiếu hụt riboflavin không được khắc phục và thiếu máu vẫn không được điều trị thì có thể gặp các biến chứng tiêu cực nghiêm trọng. Điều này bao gồm các ảnh hưởng đến tim, chẳng hạn như nhịp tim nhanh bất thường, phổi và mệt mỏi cực độ. Riboflavin cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc kích hoạt cả folate và vitamin B6. Vì vậy thiếu hụt riboflavin có thể dẫn đến thiếu hụt cả folate và vitamin B6".

mr-vitamin-pandemic-1737901358113687062558.jpg

Theo chuyên gia, nồng độ Folate (vitamin B9) cũng là một "mối quan tâm lớn" trên toàn dân số. Ông cho biết: "Dữ liệu từ Khảo sát chế độ ăn uống và dinh dưỡng quốc gia của Vương quốc Anh cho thấy mức folate trong máu đã giảm đều đặn, với ngày càng nhiều người lớn, trẻ em bị thiếu hụt. Sự suy giảm folate này là 2 đến 3% mỗi năm, với mức giảm 25 đến 28% trong 11 năm qua, điều này cực kỳ đáng báo động. Điều đáng quan ngại lớn là hiện nay gần 9/10 phụ nữ có nồng độ folate làm tăng nguy cơ mang thai bị ảnh hưởng bởi dị tật ống thần kinh".

Một nghiên cứu toàn cầu được công bố trên The Lancet Global Health cho thấy hơn bốn tỷ người không tiêu thụ đủ riboflavin hoặc folate chỉ từ chế độ ăn uống của họ. Tiến sĩ Jarrett nói: "Đó là hơn 50% dân số toàn cầu, vì vậy đó là một mối quan tâm lớn". Folate được tìm thấy trong các loại rau như bắp cải, cải xoăn và bông cải xanh, cũng như đậu gà, đậu tây, ngũ cốc tăng cường. Chúng ta cần khoảng 200 microgam mỗi ngày.

Tiến sĩ Jarrett cho biết: "Nó đóng một loạt vai trò quan trọng, bao gồm hình thành các tế bào hồng cầu giúp vận chuyển oxy đi khắp cơ thể - một quá trình quan trọng. Folate cũng tham gia vào quá trình sinh tổng hợp trong tế bào, quá trình methyl hóa DNA, góp phần vào tổng hợp, sửa chữa và sao chép DNA, tất cả đều là cơ bản để duy trì sự sống của con người. Nó cũng đóng một vai trò được xác định rõ ràng trong sự phát triển của thai nhi, nơi nó giúp ống thần kinh phát triển thành não và cột sống. Chúng ta biết rằng cả folate và riboflavin đều đóng một vai trò quan trọng trong một chu trình được gọi là chuyển hóa một cacbon, chịu trách nhiệm loại bỏ một axit amin khó chịu gọi là homocysteine ra khỏi cơ thể. Nồng độ homocysteine cao có liên quan đến một số bệnh khác nhau, bao gồm bệnh tim mạch, chứng mất trí nhớ và trầm cảm".

Ông nói thêm: "Nếu bạn bị thiếu hụt riboflavin hoặc folate, điều này có thể gây ra sự cố, dẫn đến nồng độ homocysteine tăng cao, khiến bạn dễ mắc các bệnh".

different-nutritional-supplements-minerals-vitamins-600nw-2448262555-17379018379781377204386.jpg

Ban đầu, những người bị thiếu hụt folate thường sẽ cảm thấy mệt mỏi cực độ, thiếu năng lượng, yếu nhược, khó thở và các vấn đề về thần kinh, trí nhớ, thay đổi tính khí. Tiến sĩ Jarrett nói: "Nếu không được điều trị trong thời gian dài có thể dẫn đến tăng nguy cơ rối loạn chức năng nhận thức và chứng mất trí nhớ. Trầm cảm cũng có thể phát sinh do thiếu folate. Nghiên cứu cho thấy những người có nồng độ folate trong máu thấp nhất có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn gần 80%. Việc tối ưu hóa nồng độ folate cũng được chứng minh có thể ngăn ngừa dị tật ống thần kinh, bao gồm cả tật nứt đốt sống. Những tình trạng này dẫn đến tử vong của thai nhi hoặc khuyết tật thay đổi cuộc sống. Nồng độ vitamin B6 thấp có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch, một số bệnh ung thư và trầm cảm cũng như lo lắng cao hơn".

Ai có nguy cơ thiếu hụt vitamin B

Bất kỳ ai không đạt được lượng vitamin B mục tiêu đều có nguy cơ gặp các biến chứng. Nhưng theo Tiến sĩ Jarrett, một số người dễ bị ảnh hưởng hơn những người khác. Ông nói: "Cơ thể không thể tự sản xuất các chất dinh dưỡng cơ bản này và do đó, nguyên nhân chính gây ra sự thiếu hụt là do không được cung cấp đủ từ chế độ ăn uống hoặc thiếu bổ sung. Nguồn thực phẩm chính của riboflavin là sữa và các sản phẩm từ sữa. Vì vậy những người không thể tiêu thụ những thực phẩm này, như những người không dung nạp lactose hoặc ăn chay, sẽ có lượng tiêu thụ thấp hơn nhiều, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt cao hơn. Bằng chứng cũng cho thấy rằng một số tình trạng nhất định có thể làm tăng nguy cơ của bạn, bao gồm nghiện rượu, tiểu đường và biếng ăn".

Những người đặc biệt có nguy cơ thiếu hụt vitamin B là phụ nữ mang thai và người lớn tuổi. Tiến sĩ Jarrett nói: "Điều này là do trong thời kỳ mang thai, nhu cầu folate của cơ thể tăng lên để hỗ trợ sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi. NHS khuyến nghị nên bổ sung 400 microgam axit folic (dạng tổng hợp của folate) mỗi ngày trước và trong ba tháng đầu của thai kỳ để bổ sung nguồn cung cấp folate của người mẹ. Ngoài ra, khi chúng ta già đi, nguy cơ thiếu folate của chúng ta tăng lên, được cho là do lượng tiêu thụ giảm và các vấn đề kém hấp thu". Ông nói thêm: "Tuy nhiên, một tỷ lệ lớn dân số Vương quốc Anh bị thiếu hụt riboflavin, bất kể tuổi tác và tình trạng sức khỏe, do đó đại dịch thiếu hụt là một vấn đề trên toàn dân số".

shutterstock2476563497-1620x1080-500x-1737901957705780068597.jpg

Làm sao để giảm nguy cơ thiếu hụt vitamin B?

Điều dễ dàng nhất bạn có thể làm là ăn nhiều thực phẩm chứa hàm lượng vitamin B cao. Tiến sĩ Jarrett nói: "Đối với riboflavin, tăng cường tiêu thụ sữa và các sản phẩm từ sữa sẽ cải thiện lượng tiêu thụ của bạn, ăn nhiều rau lá xanh sẽ giúp cải thiện nồng độ folate". Nhưng không phải lúc nào cũng đơn giản như vậy. "Đối với nhiều người không thể tiêu thụ những thực phẩm như vậy, bao gồm những người không dung nạp lactose, người ăn chay hoặc đơn giản là những người chủ động tránh các sản phẩm từ sữa, điều này là không thể. Và dạng folate tự nhiên trong thực phẩm rất không ổn định, đặc biệt là trong quá trình nấu nướng, làm giảm đáng kể hàm lượng folate trước khi nó đến miệng bạn", ông nói.

Theo Tiến sĩ Jarrett, cần tăng cường các thực phẩm chứa vitamin B. Ông nói:"Một số loại ngũ cốc và sữa có nguồn gốc thực vật đã bổ sung các loại vitamin này". Bên cạnh đó ông cũng đưa ra lời khuyên: "Lời khuyên tốt nhất của tôi là: Nếu bạn nghĩ rằng bạn không đáp ứng được nhu cầu vitamin B của mình, rất có thể là trường hợp của riboflavin và folate, hãy cân nhắc việc bổ sung. Có rất nhiều loại thực phẩm bổ sung nhưng với tư cách là một nhà khoa học, tôi sẽ chỉ tin tưởng những loại thực phẩm bổ sung đã được thử nghiệm lâm sàng và được chứng minh là cải thiện tình trạng dấu ấn sinh học của chất dinh dưỡng (lượng vitamin có sẵn trong cơ thể)".

Thiamine (vitamin B1)

- Hỗ trợ: Cơ thể phân hủy và giải phóng năng lượng từ thức ăn và giữ cho hệ thần kinh khỏe mạnh.

- Có trong: Đậu Hà Lan, một số loại trái cây tươi (như chuối và cam), các loại hạt, bánh mì ngũ cốc nguyên hạt, một số loại ngũ cốc tăng cường, gan.

- Lượng cần thiết: 1mg mỗi ngày đối với nam giới, 0,8mg mỗi ngày đối với nữ giới (từ 19 đến 64 tuổi).

Riboflavin (vitamin B2)

- Hỗ trợ: Giữ cho da, mắt và hệ thần kinh khỏe mạnh và cơ thể giải phóng năng lượng từ thức ăn.

- Có trong: Sữa, trứng, ngũ cốc tăng cường, nấm, sữa chua nguyên chất.

- Lượng cần thiết: 1,3mg mỗi ngày đối với nam giới, 1,1mg mỗi ngày đối với nữ giới (từ 19 đến 64 tuổi).

Niacin (vitamin B3)

- Hỗ trợ: Cơ thể giải phóng năng lượng từ thức ăn và giữ cho hệ thần kinh và da khỏe mạnh.

- Có trong: Thịt, cá, bột mì, trứng.

- Lượng cần thiết: 16,5mg mỗi ngày đối với nam giới, 13,2mg mỗi ngày đối với nữ giới.

Axit pantothenic (vitamin B5)

- Hỗ trợ: Cơ thể giải phóng năng lượng từ thức ăn.

- Có trong: Thịt gà, thịt bò, gan và thận, trứng, nấm, bơ.

- Lượng cần thiết: Chưa có số lượng cụ thể.

Vitamin B6

- Hỗ trợ: Cơ thể sử dụng và dự trữ năng lượng từ protein, carbohydrate trong thức ăn.

- Có trong: Thịt lợn, gia cầm (như gà hoặc gà tây), một số loại cá, đậu phộng, đậu nành, mầm lúa mì, yến mạch, chuối, sữa, một số loại ngũ cốc tăng cường.

- Lượng cần thiết: 1,4mg mỗi ngày đối với nam giới, 1,2mg mỗi ngày đối với nữ giới.

Biotin (vitamin B7)

- Hỗ trợ: Cơ thể tạo ra axit béo.

- Có trong: Nhiều loại thực phẩm nhưng chỉ ở mức độ rất thấp.

- Lượng cần thiết: Chưa có số lượng cụ thể.

Folate (vitamin B9 hoặc axit folic)

- Hỗ trợ: Cơ thể hình thành các tế bào hồng cầu khỏe mạnh, giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh.

- Có trong: Bông cải xanh, cải Brussels, rau lá xanh (như bắp cải, cải xoăn, rau mùa xuân và rau bina), đậu Hà Lan, đậu gà, đậu tây, gan, ngũ cốc tăng cường.

- Lượng cần thiết: 200 microgam mỗi ngày đối với người trưởng thành.

Vitamin B12

- Hỗ trợ: Tạo ra các tế bào hồng cầu và giữ cho hệ thần kinh khỏe mạnh, giải phóng năng lượng từ thức ăn, sử dụng folate.

- Có trong: Thịt, cá, sữa, pho mát, trứng, một số loại ngũ cốc tăng cường.

- Lượng cần thiết: 1,5 microgam mỗi ngày đối với người trưởng thành.

Theo NHS

Theo Thesun

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022