"Nguyên nhân gây dịch sốt tại huyện Chợ Đồn là virus cúm B, thường xảy ra vào thời điểm thu đông. Tuy nhiên, dịch bệnh đã cơ bản đã được kiểm soát, nguy cơ lây lan thấp", ông Vi Duy Tuyến, Phó giám đốc Sở Y tế Bắc Kạn, nói.
Hiện, số trẻ điều trị tại các trung tâm y tế là hơn 100, riêng ổ dịch huyện Chợ Đồn là 46, không có trường hợp nặng.
Chiều qua, Bệnh viện Nhi Trung ương cử chuyên gia cùng đi với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đến hỗ trợ chuyên môn cho Bắc Kạn. Theo PGS.TS Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, đơn vị sẽ hỗ trợ các bác sĩ thăm khám, hướng dẫn phác đồ điều trị, nhấn mạnh những dấu hiệu trở nặng để chuyển tuyến kịp thời, hạn chế tử vong.
Kỹ thuật viên CDC Bắc Kạn lấy mẫu xét nghiệm tại Khoa Nhi, Trung tâm Y tế huyện Chợ Đồn. Ảnh: CDC Bắc Kạn
Theo báo cáo của UBND huyện Chợ Đồn, ổ dịch xuất hiện rải rác ở tất cả xã trên địa bàn từ đầu tháng 10, đặc biệt tại Trường Tiểu học thị trấn Bằng Lũng. Hơn 700 trường hợp ốm sốt, một trẻ tử vong. Trung tâm y tế huyện gửi 7 mẫu bệnh phẩm về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Hà Nội) xét nghiệm, kết quả ban đầu có 5 mẫu dương tính với cúm B, còn hai mẫu âm tính.
Bà Mai Thị Thúy, Phó giám đốc CDC Bắc Kạn, cho biết đợt cúm này có một trẻ tử vong nên người dân hoang mang. Thực tế mọi năm, từ khoảng tháng 9 cũng xuất hiện nhiều trường hợp bị cúm, riêng năm nay số ca tăng nhiều hơn. "Thời điểm này năm ngoái ghi nhận khoảng 400 ca, nhưng năm 2022 tăng gấp đôi", bà Thúy nói.
Cúm B là chủng cúm phổ biến, các biểu hiện ban đầu thường nhầm lẫn với bệnh lý cảm cúm thông thường. Nhưng khi mắc cúm B, người bệnh sốt nóng hoặc rét run (từ 39 đến 41 độ C), ho, đau mỏi cơ, đổ mồ hôi kéo dài vài ngày hoặc vài tuần.
Bác sĩ khuyến cáo khi mắc cúm cần theo dõi nhiệt độ cơ thể thường xuyên, không tiếp xúc với người khác ở nơi công cộng, đeo khẩu trang, tăng cường rửa tay, vệ sinh đường hô hấp bằng cách súc miệng, nhỏ mũi. Không ho khạc, nhổ bừa bãi; bổ sung dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất đầy đủ để tăng sức đề kháng và ngăn ngừa biến chứng do virus.
Trường hợp ho, khó thở, thở nhanh, lồng ngực rút lõm, tím môi, li bì hoặc kích thích vật vã, ăn kém, bỏ ăn, nôn nhiều... cần đi khám và điều trị ngay.
Minh An