Chị Kim Thúy, ngụ Đồng Nai, mẹ bé, cho biết Thư được chẩn đoán cơ tim phì đại bẩm sinh từ lúc chào đời 5 ngày. Sau đó, bố mẹ phát hiện bé không nghe được âm thanh, mất cơ hội học nói như những trẻ bình thường.

Gia đình đặt nhiều hy vọng vào lần hẹn phẫu thuật tim lúc bé 3,5 tuổi. Tuy nhiên, trong lần kiểm tra cuối trước khi lên bàn mổ, bác sĩ tại một bệnh viện ở TP HCM khẳng định cả hai thành tim trước sau đều dày nên không thể xử lý được, phải chờ bé lớn hơn.

Cách đây một tháng, bé hay nheo mắt, phải rà chân dưới đất khi đi. Đi khám, bác sĩ kết luận bé bị bong võng mạc hai mắt và đục thủy tinh thể, nếu không được mổ kịp thời sẽ dẫn đến nguy cơ mù lòa vĩnh viễn. "Gia đình đưa đến nhiều bệnh viện tại TP HCM và Hà Nội, bác sĩ đều nói bé không thể mổ được do có bệnh tim. Tôi suy sụp vì thương cho số phận của con", chị Thúy nói.

Đến một phòng khám quốc tế tại TP Thủ Đức, Thư được thăm khám bởi bác sĩ người Hà Lan Jan Dirk Ferwerda, một chuyên gia hàng đầu về nhãn khoa. Ông giới thiệu bệnh nhân đến Bệnh viện FV, hy vọng có thể đủ trang thiết bị, nhân lực thực hiện cuộc mổ.

Ngày 12/9, bác sĩ Vũ Trường Sơn, Phó giám đốc y khoa bệnh viện, cho biết đây là trường hợp rất đặc biệt, một ca điều trị khó ở bệnh nhi có hoàn cảnh đặc biệt. Nếu không mổ, cháu bé có nguy cơ mù lòa vĩnh viễn. Nếu mổ, phải chấp nhận nguy cơ rủi ro tử vong trong quá trình gây mê do bệnh lý tim mạch bẩm sinh.

Quyết tâm cứu cháu bé, bệnh viện tổ chức hội chẩn liên viện nhiều lần để sắp xếp mọi thứ đầy đủ nhất. Mọi nguy cơ, kế hoạch đối phó với tình huống nguy hiểm đều được tính toán kỹ.

Thách thức lớn nhất đặt ra cho kíp điều trị chính là công tác gây mê - hồi sức vì thể trạng của bé quá nhẹ cân (14 kg) và bệnh nền tim bẩm sinh nên nguy cơ bị tụt huyết áp trong khi mổ rất lớn. Bác sĩ Lý Quốc Thịnh, Trưởng Khoa Gây mê Hồi sức, cho biết phẫu thuật trên bệnh nhi tim bẩm sinh phức tạp có nhiều biến chứng tai biến. Để đảm bảo an toàn, nơi này đã mời hai chuyên gia hàng đầu về gây mê và hồi sức cho phẫu thuật tim từ Bệnh viện Nhi đồng 1 để cùng thảo luận, thống nhất các phương án can thiệp, chuẩn bị trước, trong và sau khi phẫu thuật.

pho-ng-mo-1-1694500698-3959-1694500981.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=BJT8BS26eMOKkbTEElLB8Q

Các bác sĩ phẫu thuật cho bé Thư. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bệnh viện tổ chức kíp mổ với sự tham gia phẫu thuật mắt của bác sĩ Jan Dirk Ferwerda. Bác sĩ Lý Quốc Thịnh phối hợp bác sĩ Hà Văn Lượng, Khoa Gây mê Hồi sức, Bệnh viện Nhi đồng 1 trong công tác gây mê. Bác sĩ Hồ Minh Tuấn, Trưởng khoa Tim mạch FV cùng bác sĩ Nguyễn Thị Trân Châu, Trưởng Khoa Hồi sức ngoại, Bệnh viện Nhi đồng 1 phối hợp kíp bác sĩ gây mê xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra biến chứng trong lúc phẫu thuật. Bác sĩ Trân Châu cũng là chuyên gia hỗ trợ quá trình hồi sức sau mổ, đề phòng trường hợp có tai biến.

Quá trình phẫu thuật, bé bị tụt huyết áp và nhịp tim, các bác sĩ phải sử dụng ba lần thuốc để ổn định huyết áp và khống chế nhịp tim ở mức cho phép. Sau 4 giờ đồng hồ căng thẳng, ca mổ thành công, bệnh nhi được rút ống thở, có thể tự thở hiệu quả tại phòng hồi tỉnh và tiếp tục được theo dõi sát tại Khoa Hồi sức. Một ngày sau, sức khỏe ổn định, bệnh nhi được chuyển về phòng thường, các bác sĩ mới thở phào.

screen-shot-2023-09-12-at-13-3-2713-7721-1694500981.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=8XleqB6eREMS2wx-YH-m6Q

Bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho bé Thư sau mổ một ngày. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

"Tôi đứng ngồi không yên suốt ca mổ, vừa khóc vừa cầu nguyện, từng giờ trôi qua căng thẳng. Tôi vỡ òa khi nghe tin ca mổ thành công, hậu phẫu bé không phải thở oxy", mẹ bé nói. Niềm vui càng nhân lên khi sau mổ một tuần, bé có thể nhìn lại gần bằng như trước kia, tiếp tục cuộc sống và thêm sức mạnh chiến đấu bệnh tim bẩm sinh.

Lê Phương

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022