Lễ ký kết diễn ra ngày 10/9, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden. Theo đó, hai đơn vị sẽ cùng thực hiện bốn dự án tại Việt Nam. Đầu tiên là xây dựng hệ thống thử nghiệm lâm sàng và các phòng nghiên cứu hiện đại nhằm nâng cao năng lực công nghệ nghiên cứu sinh học trong nước.

Viện nghiên cứu Vi sinh và Chống dịch Stanford cam kết sớm đem phương pháp chữa bệnh mới về viêm gan, bệnh truyền nhiễm và ung thư về Việt Nam. Đơn vị cũng hỗ trợ tư vấn về tuyển dụng, lập kế hoạch chiến lược, kết nối để các nhà nghiên cứu của TAMRI và Việt Nam được tiếp cận, học tập tại Stanford.

Dự án hai là đào tạo về khai thác trí tuệ nhân tạo (AI) cho ứng dụng y tế. Viện Vi sinh và Chống dịch Stanford sẽ cung cấp các khóa đào tạo về kiến thức cần thiết để TAMRI khai thác khả năng của AI và hoàn thiện dữ liệu công nghệ khoa học của bệnh viện. Hai đơn vị cùng phát triển những ứng dụng công nghệ mới khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe.

image-931186467-extractword-0-2534-5724-1694345377.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=UWawpSqzDdjz2eOyTDv81Q

Đại diện hai đơn vị tiến hành ký kết. Ảnh: TAMRI

Dự án ba xoay quanh nghiên cứu phát triển thuốc mới phòng chống sốt xuất huyết. Nghiên cứu phát triển thuốc tiền lâm sàng sẽ được thực hiện tại phòng thí nghiệm Stanford. Cơ sở hạ tầng cần thiết cho phòng thí nghiệm tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh cũng sẽ được thiết lập để tiến hành các nghiên cứu giai đoạn một về các liệu pháp mới chống lại bệnh sốt xuất huyết.

Việc phát triển cơ sở hạ tầng sẽ được lên kế hoạch, thực hiện với sự tư vấn chặt chẽ của các chuyên gia tại Việt Nam và Stanford. Quy trình tuân theo tiêu chuẩn quốc tế cao nhất. Hai bên tiếp tục thiết lập phát triển thuốc lâm sàng giai đoạn đầu trong dài hạn.

Sự hợp tác sẽ không chỉ ở cơ sở hạ tầng. Phía Viện nghiên cứu Vi sinh và Chống dịch Stanford sẽ đưa ra lời khuyên và cung cấp cố vấn chuyên môn cho Tâm Anh. Ngược lại, chuyên gia tại Việt Nam cũng chia sẻ kiến thức với các nhà nghiên cứu Stanford trong quá trình nghiên cứu lâm sàng về sốt xuất huyết.

Nhiều buổi hội thảo, hội nghị chuyên đề và hội nghị trực tuyến sẽ tổ chức thường xuyên, liên tục nhằm thúc đẩy trao đổi chuyên môn. Từ đó, hai bên sẽ tập trung vào việc tối ưu hóa, phát triển và thử nghiệm lâm sàng liệu pháp điều trị chống nhiễm trùng sốt xuất huyết tối ưu nhất.

Dự án thứ tư là nghiên cứu về tỷ lệ lây nhiễm, tầm soát virus HDV viêm gan D. Các nhà nghiên cứu Việt Nam sẽ được chọn để đến Stanford học cách thực hiện xét nghiệm Q-MAC đối với HDV cùng nhiều kỹ thuật trong phòng thí nghiệm virus khác.

Tại lễ ký kết, Giáo sư Jeffrey S. Glenn - Viện trưởng Viện nghiên cứu Vi sinh và Chống dịch Stanford cho biết, đơn vị ra đời dưới sáng kiến của các nhà khoa học Stanford nhằm tìm ra các phương án phòng chống dịch bệnh. Sau Covid-19, toàn cầu đã quan tâm hơn đến các vấn đề vi sinh và chống dịch, cũng như các việc phát hiện, điều trị bệnh lý, trong đó có các bệnh nguy hiểm như ung thư... Các phát minh khoa học, sáng kiến từ các phòng nghiên cứu thành công sẽ mang lại lợi ích to lớn cho cộng đồng. Bên cạnh đó, cần đảm bảo sự công bằng với người dân ở các nước đang phát triển.

"Việc đưa các nghiên cứu khoa học, thử nghiệm lâm sàng thuốc mới về Việt Nam sẽ là cơ hội tốt để người dân có cơ hội sớm tiếp cận với những phương pháp chữa bệnh mới, hiệu quả hơn", Giáo sư Jeffrey S. Glenn nhấn mạnh.

image-10908381-extractword-1-o-5909-3834-1694345377.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=c002lOhqluWS22D4ST87Sg

Giáo sư Jeffrey S. Glenn (trái) trao đổi cùng Tâm Anh trong lễ ký kết. Ảnh: TAMRI

Về phía Việt Nam, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống Bệnh viện Tâm Anh nói sự hợp tác này là dấu mốc đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa trong việc nâng cao năng lực nghiên cứu phát triển, thử nghiệm lâm sàng các loại thuốc mới vì mục tiêu chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho người bệnh.

Tiếp lời, Tiến sĩ Lương Minh Thắng - Cố vấn cấp cao AI của Viện nghiên cứu Vi sinh và Chống dịch Stanford đánh giá AI đã mở ra kỷ nguyên mới cho loài người khi tận dụng những trí tuệ lớn của nhân loại để đề xuất loạt ứng dụng mới. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các nghiên cứu khoa học góp phần rút ngắn thời gian nghiên cứu, nâng cao hiệu quả và tiết kiệm chi phí. Từ đó, quá trình nghiên cứu phát triển thuốc, vaccine sẽ rút ngắn thời gian, giảm giá thành.

Mở rộng ý nghĩa của sự hợp tác, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc khoa học TAMRI cho biết Viện nghiên cứu Tâm Anh thành lập với mục tiêu tạo môi trường lý tưởng để thực hiện và phát triển các nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu lâm sàng thuốc và vaccine. Đơn vị cũng nỗ lực thúc đẩy ứng dụng khoa học dữ liệu vào quá trình khám, chữa bệnh, đặc biệt là những bệnh lý nguy hiểm như ung thư, viêm gan, sốt xuất huyết...

"Sự đồng thuận trong mục tiêu chung là khoa học và phục vụ con người là lý do hai bên hợp tác lâu dài trong việc nghiên cứu phát triển, thử nghiệm lâm sàng thuốc mới và các phương pháp chẩn đoán bệnh", ông Tuấn nhấn mạnh.

Image-ExtractWord-2-Out-9045-1694345296.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Afj4UUyND18-ysts0AyzZQ

Đại diện Viện Stanford tham quan Trung tâm Giải phẫu bệnh, Bệnh viện Tâm Anh Hà Nội. Ảnh: TAMRI

Cũng theo đại diện Tâm Anh, việc hợp tác hai được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự tiến bộ của khoa học, mang lại những lợi ích lớn trong việc chăm sóc sức khỏe. Ngay sau lễ ký kết này, hai đơn vị sẽ đẩy nhanh quá trình đàm phán để sớm thực hiện những dự án quan trọng như: xét nghiệm chẩn đoán và điều trị viêm gan D; phát triển thuốc điều trị ung thư liên quan đến cơ chế miễn dịch, thuốc điều trị sốt xuất huyết... Bên cạnh đó là các hoạt động trao đổi đào tạo, hợp tác chuyên môn, thúc đẩy khoa học, giáo dục, y tế và kinh tế giữa hai quốc gia.

Image-ExtractWord-3-Out-3602-1694345297.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=fHUfBLNzhutuCL0i9GRFXg

Khu vực tủ bảo quản vô trùng ống nội soi tiêu hóa của Bệnh viện Tâm Anh Hà Nội. Ảnh: TAMRI

Viện nghiên cứu Tâm Anh trực thuộc hệ thống Bệnh viện đa khoa Tâm Anh. Đơn vị có mục tiêu thực hiện các nghiên cứu liên quan đến bệnh lý, vaccine; tiến hành thử nghiệm lâm sàng các phương pháp phòng ngừa và điều trị mới.

Minh Tú

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022