Vẹo cột sống là tình trạng cột sống bị cong bất thường, đường cong có thể đổ về phía trước hoặc phía sau (gù cột sống), lệch sang một bên (cong cột sống), tùy nguyên nhân mắc bệnh của từng người. Bệnh thường gặp ở người dưới 18 tuổi, trong đó nhóm 4-10 tuổi mắc nhiều nhất. 80-85% trường hợp vẹo cột sống không rõ nguyên nhân, một số bị bệnh bẩm sinh, hoặc mắc bệnh khác liên quan tới thần kinh - cơ.

Nhiều trường hợp bị vẹo do ngồi sai tư thế lâu ngày hoặc mang vác cặp quá nặng. Khi trẻ có tư thế thân không đúng, lồng ngực thu hẹp dần thành phẳng đều, các góc xương bả vai cách xa cột xương sống và bắt đầu nhô lên, lưng gù, bụng phình ra phía trước.

Ngoài ra, theo ThS.BS Calvin Q Trịnh - Giám đốc Đơn vị Phục hồi chức năng và hình thể chuẩn Mỹ (HMR), trẻ em ngày nay sử dụng thiết bị điện tử sớm và thường xuyên. Điều này dẫn đến hình thái cột sống thay đổi gây ra các tật xấu kèm theo như gù cột sống, đây cũng là tình trạng khá phổ biến ở người lớn dẫn đến đau cổ vai gáy.

Bên cạnh đó, còn có tình trạng dị tật bàn chân như bàn chân bẹt, bàn chân khoèo, chân cao chân thấp... Đặc điểm là hai bên gót chân, cổ chân hoặc khớp gối sẽ không đều nhau. Trong khi đó, bàn chân là nền móng của cả cơ thể nếu bàn chân lệch vẹo trẻ sẽ không thể đi đứng bình thường, dẫn đến cột sống ảnh hưởng theo.

Bác sĩ Calvin Q Trịnh cho biết vẹo cột sống là dị tật nguy hiểm do thường xuất hiện trong giai đoạn phát triển quan trọng của trẻ, trước tuổi dậy thì. Lúc này, một phía của đốt sống bị chèn ép và chịu lực không phát triển so với phía còn lại, dẫn đến biến dạng đốt sống, cột sống, lồng ngực, thậm chí thay đổi hình thể và dáng đi.

Trẻ phải gánh chịu di chứng về chức năng dẫn đến cột sống hạn chế vận động, không chơi thể thao được. Bên cạnh đó, còn có những vấn đề về hô hấp. Cong vẹo cột sống làm lồng ngực trẻ biến dạng, dẫn đến không thở được, nếu nặng sẽ hạn chế về chức năng của các cơ quan khác như tim mạch, tiêu hóa... về lâu dài gây đau, thậm chí lệch đốt sống, dẫn đến liệt.

Trẻ bị cong vẹo cột sống nhưng không điều trị kịp thời dễ diễn tiến nặng, tàn tật suốt đời, suy giảm thể chất, sinh tâm lý mặc cảm, tự ti, trầm cảm.

qqqq-1686810334-9517-168681182-6442-8235-1730910005.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=LaywpJZkiJWDY_OeEuWdsQ

Ảnh X-quang đốt sống ngực của một bệnh nhân bị biến dạng nặng, không thể điều trị lấy lại được hình dáng ban đầu. Ảnh: Bác sĩ cung cấp

Để điều trị vẹo cột sống, bác sĩ áp dụng phương pháp trị liệu vật lý phục hồi chức năng, nắn chỉnh cơ xương khớp. Bệnh nặng, đã biến dạng các đốt sống thì không thể hoàn trả lại hình dạng ban đầu. Lúc này, bác sĩ phẫu thuật hàn xương, làm dính các đốt sống lại với nhau bằng cách đặt dụng cụ nắn chỉnh để giữ cột sống thẳng và lành xương. Tuy nhiên, biến chứng của phẫu thuật chỉnh vẹo cột sống khá nặng nề, như chảy máu, nhiễm trùng, tổn thương tủy và rễ thần kinh dẫn đến liệt hạ chi, không lành xương - khớp giả.

Bác sĩ khuyến cáo đế giày chỉnh hình bàn chân bẹt, áo nẹp cột sống không giúp điều trị khỏi bệnh mà chỉ phần nào ngăn ngừa tăng nặng. Trong một số trường hợp các sản phẩm này không mang lại hiệu quả.

Phát hiện sớm dấu hiệu trẻ cong vẹo cột sống hoặc dị tật bàn chân bẹt không quá khó, nhất là khi trẻ biết ngồi, đi. Người lớn chỉ cần quan sát kỹ khi trẻ đứng, đặc biệt là khi tắm, vệ sinh cho trẻ. Khi trẻ có dấu hiệu bất thường như không thể đứng thẳng, vai thấp vai cao, vùng lưng bị gồ lên khi cúi người hoặc có khuynh hướng áp cạnh trong của bàn chân xuống đất, cần đưa đi viện để điều trị sớm, tránh hậu quả đáng tiếc.

Mỹ Ý

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022