Thông tin nêu tại tọa đàm "Quản lý đái tháo đường hiệu quả với công nghệ theo dõi đường huyết liên tục CGM", phát sóng trên VnExpress ngày 14/11. Chương trình có sự tham gia của TS.BS Nguyễn Quang Bảy, giảng viên Đại học Y Hà Nội và TS.BS Trần Viết Thắng, giảng viên tại Đại học Y Dược TP HCM.

Bàn về đái tháo đường, TS. Nguyễn Quang Bảy cho biết đây là tình trạng tăng đường huyết mạn tính. Có hai type đái tháo đường chính, trong đó type 1 chiếm tỷ lệ thấp, xảy ra khi cơ thể thiếu insulin hoàn toàn do tụy bị phá hủy. Type 2 chiếm đa số bệnh nhân, thường gặp ở người lớn tuổi hơn, nguyên nhân do cơ thể kháng insulin hoặc không tạo ra đủ insulin. Người mắc đái tháo đường có nguy cơ đối mặt với các biến chứng về tim mạch, mắt, thần kinh, và thận...

Trong điều trị đái tháo đường, TS. Bảy cho biết người bệnh cần thiết lập kiềng ba chân gồm: chế độ ăn, chế độ tập luyện và dùng thuốc. Muốn biết đường huyết có được quản lý hiệu quả hay không, bắt buộc dựa vào nồng độ đường huyết, không thể chỉ dựa vào cảm nhận của người bệnh như "tôi thấy khỏe" hay "tôi thấy bình thường".

Tọa đàm cũng trao đổi về các phương pháp kiểm soát đường huyết, phổ biến như HbA1C (xét nghiệm máu tĩnh mạch), đo đường huyết mao mạch (trích máu đầu ngón tay) và đo đường huyết liên tục (CGM).

Theo TS. Bảy, công nghệ theo dõi đường huyết liên tục không chỉ cho biết đường huyết cao hay thấp, diễn biến đường huyết thế nào mà còn nhiều thông tin hữu ích khác. Đơn cử như xem ngược lại ngày hôm qua, đường huyết lúc bệnh nhân không đo (ví dụ đêm, đang ngủ) cao hay thấp; trước ăn và sau ăn thay đổi ra sao. Qua đó công nghệ giúp theo dõi những ảnh hưởng của sinh hoạt, chế độ ăn uống và luyện tập đến đường huyết.

dsc00101-1-jpg-1731591580-1731-6371-2053-1731592894.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=aRzS3bxdpPsmg1zhcowBcg

(Từ trái sang): MC Tuyết Vinh, chị Trần Thị Tuyết Phượng, TS. Nguyễn Quang Bảy, TS. Trần Viết Thắng. Ảnh: Ngọc Thảo

Các chuyên gia cho biết thêm, để đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả, thông số mà các bác sĩ rất quan tâm là thời gian đường huyết nằm trong khoảng mục tiêu (TIR). Nhìn chung, những người mắc đái tháo đường nên nhắm đến mục tiêu đạt được TIR càng cao càng tốt. Theo các hướng dẫn, các bác sĩ thường khuyến khích người bệnh đặt mục tiêu đạt 70% thời gian đường huyết trong khoảng mục tiêu mỗi ngày.

Tại tọa đàm, hai chuyên gia cũng chia sẻ về thực tế ứng dụng CGM hiện nay tại Việt Nam, những khuyến cáo khi sử dụng thiết bị dành cho người bệnh, và những thông tin hữu ích người mắc đái tháo đường rất cần biết.

Kim Anh

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022