Nghiên cứu do công ty công nghệ Mỹ Toll Free Forwarding thực hiện. Các chuyên gia đã dựng một mô hình 3D có tên Mindy để mô phỏng hình dạng này.

"Chúng tôi lấy nguồn nghiên cứu khoa học và ý kiến của nhiều chuyên gia về chủ đề này. Sau đó, chúng tôi đã làm việc với nhà thiết kế 3D để tạo mô hình con người tương lai với sự thay đổi lớn về thể chất do sử dụng điện thoại, máy tính và các công nghệ khác", đại diện Toll Free Forwarding, cho biết.

Lưng gù và cổ cong

Thói quen sử dụng điện thoại thông minh cũng như các loại màn hình, máy tính bảng nói chung có ảnh hưởng lớn đến tư thế ngồi của mọi người. Việc điều chỉnh liên tục trạng thái từ cúi nhìn điện thoại hoặc ngẩng lên trước màn hình máy tính có thể làm căng cơ.

Tác động của thiết bị điện tử cũng làm phát sinh tình trạng mới, gọi là "cổ công nghệ". Khi nhìn xuống điện thoại quá lâu, các cơ ở gáy co lại để giữ đầu ngẩng lên. Những cơ này có thể quá mệt mỏi và đau nhức, cuối cùng không thể ổn định trở lại.

"Dành hàng giờ nhìn xuống điện thoại khiến cột sống bạn mất thăng bằng. Từ đó, các cơ ở cổ phải căng ra để đỡ phần đầu của bạn. Ngồi trước máy tính văn phòng quá lâu cũng khiến phần cột sống bị nghiêng về phía trước hông thay vì xếp thẳng thắn", Caleb Backe, chuyên gia sức khỏe tại Maple Holistics, nhận định.

mindy-detailed-image-jpeg-1667-5070-2891-1667895694.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=zUc0I0TE3sOTaPtiqxJI3Q

Hình ảnh 3D mang tên Mindy mô phỏng hình dáng của con người trong năm 3000 do sự ảnh hưởng của công nghệ. Ảnh: Toll Free Forwarding

Ngón tay cong gập

Mô hình 3D cho thấy sự thay đổi đáng kể về mặt giải phẫu ở phần bàn tay. Các ngón tay của Mindy cong gập và không thể duỗi thẳng. Nguyên nhân là thói quen sử dụng điện thoại thông minh. Tình trạng này được các chuyên gia gọi là "ngón tay gõ chữ" (text claw), xảy ra khi con người liên tục cầm chặt điện thoại, cuộn tròn các ngón tay vào những vị trí không tự nhiên trong thời gian dài.

Tiến sĩ Nikola Djordjevic từ Med Alert Help cho biết có lời giải thích khoa học đằng sau hội chứng này.

"Một vài năm trước, việc sử dụng internet trên thiết bị di động trở nên phổ biến hơn máy tính bàn. Cách chúng ta cầm điện thoại có thể khiến một số điểm tiếp xúc nhất định căng thẳng, gây ra hiện tượng ngón tay gõ chữ", tiến sĩ Djordjevic nói.

Hộp sọ dày hơn

Công nghệ có thể khiến não bộ mất tập trung khỏi những công việc quan trọng. Theo các chuyên gia, việc sử dụng điện thoại thông minh quá nhiều cũng gây tổn hại cho hộp sọ.

Tác động đặc biệt nghiêm trọng đối với trẻ nhỏ. Hộp sọ của các em vốn mỏng, kém phát triển, hấp thụ bức xạ gấp ba lần so với não người. Với các tác động đó, có thể trong tương lai, con người sẽ phát triển hộp sọ dày hơn để bảo vệ não bộ.

Mí mắt thứ hai

Sự thay đổi cuối cùng của hình 3D Mindy được đánh giá là kỳ lạ nhất. Theo các chuyên gia, con người trong năm 3000 sẽ có thêm một mí. Nghiên cứu cho thấy sử dụng quá nhiều thiết bị điện tử có thể gây đau đầu, mỏi mắt, thậm chí mù lòa. Theo tiến sĩ Kasun Ratnayake, Đại học Toledo, con người có thể tiến hóa triệt để nhằm hạn chế lượng ánh sáng có hại tiếp xúc với mắt.

"Con người có thể phát triển mí mắt bên trong lớn hơn, ngăn tiếp xúc ánh sáng quá mức, hoặc thủy tinh thể của mắt sẽ tiến hóa để chặn ánh sáng xanh, chỉ tiếp nhận các loại ánh sáng có bước sóng cao khác như xanh lục, vàng hoặc đỏ", ông nói.

skynews-office-workers-emma-mo-8997-5001-1667897192.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=nhZedUbpEP80QaP0tzgoOA

Hình mô phỏng búp bê Emma. Ảnh: Sky News

Mindy là thế hệ tiếp theo của Emma, mô hình búp bê kích thước người thật dự báo về cơ thể dân văn phòng sau 20 năm làm việc. Búp bê Emma có đôi mắt khô đỏ sau nhiều giờ nhìn vào máy tính, lưng gù, béo phì, chân tay phù nề do máu lưu thông kém, mắc bệnh chàm vì căng thẳng và thần thái đờ đẫn.

Các nhà nghiên cứu đã tạo ra Emma dựa trên cuộc khảo sát hơn 3.000 nhân viên văn phòng ở Pháp, Đức và Anh. Kết quả cho thấy 50% trong số họ phàn nàn những căn bệnh về mắt, 49% đau lưng, 48% đau đầu và 45% cổ bị thoái hóa và nhiều triệu chứng khác do ngồi nhiều trước máy tính.

Thục Linh (Theo Independent, Toll Free Forwarding)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022