Chị Lê Thuỳ Dương (31 tuổi, trú tại Hoài Đức, Hà Nội) cho biết con gái chị 4 tuổi nhưng nói ngọng, khi con nói bản thân chị và người thân đều không dịch ra được, con đòi đồ chơi hay đồ ăn cha mẹ cũng không hiểu con nói gì.

Chị Dương được bạn bè giới thiệu cho con đi học nói chữa ngọng, tuy nhiên, học suốt 3 tháng đều không có hiệu quả. Vì nói ngọng nên đi học bé cũng ít tham gia các chương trình của lớp.

Nhiều lần đi học nói, chỉnh giọng không ăn thua, chị Dương cho con đến khám bác sĩ mới biết bé ngọng là do dính thắng lưỡi.

Sau khi được tư vấn, chị Dương cho con cắt thắng lưỡi. Bác sĩ chỉ cần gây tê cắt xong trong 5 phút. Tuy nhiên, sau cắt thắng lưỡi bé lười ăn hơn. Sau 1 tháng điều chỉnh phục hồi chức năng, con gái chị đỡ nói ngọng hơn.

Trường hợp con của chị Bùi Thu Hà (Hà Nội) cũng tương tự. Chị Hà làm bác sĩ nhưng không ngờ rằng con mình nói ngọng líu, ngọng lô là do dính thắng lưỡi.

Con chị 5 tuổi nhưng vẫn nói ngọng. Nhiều lần chị Hà muốn cho con đi kiểm tra nhưng ông bà của bé gạt đi cho rằng chị “lo bò trắng răng” vì trẻ con có đứa nói ngọng, có đứa không lớn lên chúng nói lại bình thường.

Khi cho bé đi khám tai mũi họng, chị Hà nghe đồng nghiệp nói “con em dính thắng lưỡi dài quá sao không cắt”. Bà mẹ trẻ mới ngỡ ngàng đó là nguyên nhân khiến con chị nói ngọng suốt thời gian qua. 

Trên cộng đồng trẻ nói ngọng, nhiều bà mẹ chia sẻ từng khổ sở không biết vì sao con nói ngọng trong khi gia đình không có gen nói ngọng. Khi đi khám thủ phạm gây nói ngọng chính là dính thắng lưỡi, xử lý vô cùng đơn giản nhưng không phải ai cũng biết điều đó.

Theo PGS Nguyễn Thị Hoài An, dính thắng lưỡi là một dị tật bẩm sinh nhẹ, còn được gọi bằng tên khác là tật dính phanh lưỡi. Trong đó phanh lưỡi (lớp màng mỏng nằm dưới lưỡi) bị ngắn, dầy và căng, khiến chuyển động lưỡi của bé bị hạn chế.

noi-soi-tai-mui-hong-245-1666838314485-16668383146071813215959.jpg

PGS An khám cho bệnh nhi.

Nhiều trường hợp trẻ sau sinh không đi thăm khám, bố mẹ thấy con khó bú, khó phát âm, cử động đầu lưỡi khó, sau đó đi kiểm tra mới phát hiện bé bị dính thắng lưỡi.

Tuy nhiên nếu để quá lâu mức độ dính thắng lưỡi có thể nặng hơn, phần lưỡi của trẻ sẽ hình thành những mạch máu lúc này việc cắt dính thắng lưỡi sẽ khiến bé bị mất nhiều máu, gây đau và ảnh hưởng đến tâm lý của con.

PGS An cho biết dính thắng lưỡi ở trẻ em không thể tự hết đi như nhiều phụ huynh vẫn lầm tưởng, mà phải can thiệp bằng phẫu thuật cắt dính thắng lưỡi. Vì nếu không cử động lưỡi của con bị hạn chế trẻ sẽ gặp khó khăn khi bú mẹ, khó nuốt khi ăn dặm, khó phát âm, chậm nói hoặc có thể nói ngọng.

Theo nhiều nghiên cứu tại Việt Nam thì khoảng 5% trẻ em sinh ra gặp phải dị tật này ở các mức độ khác nhau. Hiện nay cơ chế gây dị tật này vẫn chưa được xác định chính xác. 

Hiện có 4 mức độ dính thắng lưỡi sau:

Mức độ 1: Dính thắng lưỡi nhẹ từ 12-16 mm, đây là mức độ dính thắng lưỡi không quá nghiêm trọng ở trẻ.

Mức  độ 2: Thắng lưỡi thường từ 8 đến 11 mm, ở mức độ này, ba mẹ bắt đầu quan sát thấy một số dấu hiệu dính thắng lưỡi ở trẻ. Trẻ cần được theo dõi và cắt thắng lưỡi sớm nếu cần thiết.

Mức độ 3: Thắng lưỡi của trẻ từ 3 – 7mm. Trường hợp này các ảnh hưởng của ngắn thắng lưỡi có thể quan sát một cách dễ dàng. Trẻ cần được can thiệp kịp thời để tránh ảnh hưởng.

Mức độ 4: Mức độ nặng nhất, thắng lưỡi chỉ dài dưới 3mm. Trường hợp này gần như thắng lưỡi chạm sát sàn lưỡi và cần thực hiện phẫu thuật cắt càng sớm càng tốt.

Với trẻ chậm nói, nói ngọng, bác sĩ An khuyến cáo, cha mẹ nên cho trẻ đi kiểm tra xem trẻ có bị dị tật này hay không. Khi khám, các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng thăm khám sẽ chỉ định cắt dính thắng lưỡi cho con, có thể chỉ cần gây tê tại chỗ hoặc gây mê để cắt, đa số trường hợp cắt dính thắng lưỡi sớm chỉ cần gây tê tại chỗ, trẻ sau khi cắt có thể bú mẹ, và về nhà luôn.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022